Xã hội

Muôn kiểu ngăn cản báo chí tác nghiệp

20/06/2020, 19:30

Trong quá trình hoạt động báo chí, nhiều nhà báo, phóng viên đang bị “gây khó” khi làm việc tại một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp..

img
Hình ảnh côn đồ hành hung PV báo Tuổi trẻ Thủ đô tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội tháng 7/2019

Đặc biệt, những nhà báo làm mảng điều tra chống tiêu cực đang gặp một “rừng” những hành vi ngăn cản từ “mềm” đến “cứng”.

“Vẽ” quy định để cản trở tác nghiệp báo chí

Từ đầu năm, để tìm hiểu về một dự án có dấu hiệu sai phạm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông đã về địa phương này tìm hiểu về sự việc, đặt lịch làm việc. Dù PV có thẻ nhà báo nhưng vẫn được hướng dẫn gửi giấy giới thiệu nội dung làm việc tới UBND tỉnh, UBND huyện Vân Đồn. Giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc được gửi tới văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn từ đầu năm 2020, sau đó PV nhiều lần gọi điện nhưng tới nay đã nửa năm trôi qua mà chưa có một buổi làm việc hay phản hồi nào.

Theo Luật Báo chí, “khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo”, có nghĩa là thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp PV chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp.

Tuy vậy, hiện rất nhiều cơ quan hành chính, doanh nghiệp khi PV xuất trình Thẻ nhà báo, họ yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cơ quan nêu rõ đến làm việc về nội dung gì. Ngược lại một số PV chưa có Thẻ nhà báo, mang giấy giới thiệu của cơ quan báo chí đến thì lại bị yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo “để chứng minh anh là nhà báo”(?!).

Dù có vượt qua được những yêu cầu “tự đặt ra” nêu trên, nhiều PV tiếp tục gặp hành vi cản trở khác là… đặt lịch hẹn. Khi đến làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các PV được đón tiếp bởi người không đủ thẩm quyền. Tình huống quen thuộc là một nhân viên tiếp dân hoặc nhân viên văn phòng được cử ra tiếp PV. Họ đề nghị PV ghi lại câu hỏi, nội dung tìm hiểu để báo cáo lãnh đạo. Sau đó, PV đặt câu hỏi rồi… về chờ đợi. Bộ phận văn phòng sẽ trình lên người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị này sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn trả lời, có nơi còn phải đợi họ trình lại lãnh đạo trước khi cung cấp cho báo chí. Để có được buổi làm việc tìm hiểu thông tin, có khi là 1 tuần, 1 tháng, thậm chí nhiều hơn khiến những đề tài “nóng” trở thành “nguội”.

Đối với các PV theo dõi đưa tin các phiên tòa thì từ lâu đã phải quen với một “thông lệ” mà các cấp tòa đặt ra, dù đó là những phiên tòa công khai theo nguyên tắc bất cứ ai cũng được vào. Tuy nhiên, muốn vào dự đưa tin về phiên tòa PV phải đến sớm, trình bày với thư ký phiên tòa để thư ký tòa trình với thẩm phán. Nếu được thẩm phán đồng ý, PV mới được quyền tác nghiệp, chụp ảnh, quay phim. Đối với một số vụ án lớn, nhiều ngày trước khi phiên tòa diễn ra PV phải liên hệ với thư ký phiên tòa, mang giấy giới thiệu của cơ quan tới đăng ký danh sách. Khi có tên trong danh sách đã đăng ký, họ mới được cấp thẻ số thứ tự dự tòa. Thẻ nhà báo trong trường hợp này chỉ có tác dụng… làm tin (nộp cho bảo vệ ở cổng tòa để họ giữ, phát cho phóng viên thẻ dự tòa).

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng (Bộ TT&TT) cho biết: Hiện nay, có người cho rằng cản trở tác nghiệp báo chí chỉ là những hành vi đe dọa, xúc phạm, dùng vũ lực ngăn cản, hành hung nhà báo, phóng viên, nhưng trên thực tế hành vi cản trở có rất nhiều dạng. Khảo sát, nghiên cứu về các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp đã được Tổ chức RED Communication (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thực hiện trên quy mô toàn quốc, cho thấy hành vi cản trở rất đa dạng, như né tránh cung cấp thông tin; gây khó dễ; mua chuộc; gián tiếp ngăn chặn các hoạt động tác nghiệp; thu giữ phương tiện tác nghiệp; đe dọa; hành hung; trả thù…

Ngăn chặn hành vi ngăn cản báo chí

Theo ông Ngô Huy Toàn, tại Điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật... Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi này.

Trong thực tế tác nghiệp của phóng viên, ngoài hành vi điển hình được luật quy định thì những hành vi cản trở “mềm” diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa có văn bản nào ghi nhận. Mặt khác, đây cũng là hành vi khó chứng minh, khó xử lý nhất do chính nhà báo, phóng viên chưa thật sự quan tâm, chưa chuẩn bị được tốt các sở cứ. Những hình thức cản trở phổ biến là đặt ra yêu cầu không đúng (ví dụ đòi hỏi cả giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo), tìm giải pháp từ chối, hẹn lịch nhiều lần làm nản lòng nhà báo...

“Trong hoạt động báo chí, bản thân một số nhà báo, cơ quan báo chí cũng chưa có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng tác nghiệp, chưa nắm được các quy định liên quan để có biện pháp xử lý đúng đắn. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp phản ánh bị đối tượng cản trở tác nghiệp, nhưng khó xử lý hoặc không xử lý được do chúng ta chưa chủ động chuẩn bị ứng phó với tình huống, thiếu tài liệu, chứng cứ để minh chứng cho hành vi cản trở”, ông Toàn chia sẻ.

Báo chí cũng cần nghiêm khắc với bản thân mình

img
Nhà báo Hoàng Đình Chiểu - Phóng viên VTV, thường trú tại tỉnh Kon Tum (áo đen bên phải) bị tấn công khi đang tác nghiệp tại TP Kon Tum vào tháng 1/2019

Chia sẻ về những khó khăn của nhà báo, phóng viên bị cản trở tác nghiệp, ông Toàn cũng băn khoăn về sự vi phạm của chính một số nhà báo, phóng viên. “Chúng tôi cũng nhận được nhiều thông tin không tốt về quá trình tác nghiệp của một số nhà báo, phóng viên. Người ta thường dùng những từ ngữ không thiện cảm như “nhóm phóng viên IS”, “phóng viên đếm tầng”, “G30”… để nói về bộ phận này gắn với hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí”, ông Toàn nói và cho rằng, điểm chung của những người này là mục đích của họ không phải mang đến cho bạn đọc thông tin hữu ích mà chỉ lợi dụng báo chí để bới móc, tìm sơ hở, khiếm khuyết của đối tượng phản ánh để tìm cách gây sức ép, tấn công, trục lợi, ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh của báo chí, của người làm báo chân chính.

Hoạt động của các văn phòng đại diện báo chí tại một số địa phương cũng được Thanh tra Bộ TT&TT đánh giá là “có vấn đề”. Theo đó, một số cơ quan báo chí thành lập các văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại nhiều địa phương nhưng không có kinh phí trả lương nhân viên. Các văn phòng này tự phải hạch toán, nuôi bộ máy, thậm chí phải trích nộp cho tòa soạn.

Từ thực tế trên, thay vì thực hiện nghiệp vụ báo chí thì họ tập trung làm kinh tế, bới móc các sai phạm, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm quảng cáo, truyền thông. “Đây là vấn đề trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh”, ông Toàn nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.