Quản lý

Muốn làm lãnh đạo buộc phải thi

01/09/2014, 10:59

Sau khi hai "ghế nóng" Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN và Vụ trưởng Vận tải tìm được "chủ", hàng loạt chức danh quan trọng khác của Bộ GTVT sẽ tiếp tục được thi tuyển ...

Ông Nguyễn Văn Huyện - người trúng tuyển Cuộc thi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ ngày 25/4/2014
Ông Nguyễn Văn Huyện - người trúng tuyển Cuộc thi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ ngày 25/4/2014


Tiên phong công khai tuyển người tài


Nói về ý nghĩa trực tiếp của việc thi tuyển, GS.TS Lã Ngọc Khuê , nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nhờ sự công khai, minh bạch của việc thi tuyển nên những người được tuyển chọn sẽ tạo uy tín ngay từ khi bắt đầu đảm nhiệm công việc. Điều này rất có ý nghĩa đối với người trúng tuyển, nhất là khi các chức danh tuyển chọn đều là những chức danh quan trọng, đảm nhiệm những phần việc quan trọng của Bộ GTVT. 


Cũng theo GS.TS. Lã Ngọc Khuê, thông qua việc chuẩn bị cho phần bảo vệ chương trình hành động, các vấn đề liên quan đến công việc của vị trí tuyển chọn sẽ được hệ thống hóa lại, tạo kiến thức chung trong lĩnh vực quản lý. “Qua đây cho thấy sức lan tỏa lớn của việc tổ chức thi tuyển”,  GS.TS Khuê nói. 


Trên thực tế, bài viết chương trình hành động của các thí sinh ứng tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN tập trung vào các nội dung chính gồm: Đánh giá thực trạng; phân tích nguyên nhân những mặt mạnh, mặt yếu; ưu điểm; tồn tại, hạn chế và những thuận lợi, khó khăn của Tổng cục trong ba năm qua; kế hoạch hoạt động, quy mô phát triển Tổng cục trong 10 năm tới; các biện pháp, giải pháp và đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Tổng cục trong 10 năm tới.


Cũng như vậy, tại cuộc thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vận tải vừa tổ chức đầu tháng 8, các ứng viên được yêu cầu đánh giá thực trạng hoạt động vận tải, đưa ra dự báo chung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cuối cùng là đề ra các giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm giá thành vận tải và tăng chất lượng dịch vụ.

Chọn được đúng người, tránh được tiêu cực


10 ngày sau khi chính thức nhậm chức, ngày 10/6, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện đã minh chứng mình “là người của hành động” khi ký văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị cho phép thay thế các biển báo tốc độ trên bằng biển báo hạn chế tốc độ 40 km/h. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự chấp thuận của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi ngày 11/6, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Tổng cục ĐBVN, Sở GTVT các địa phương  rà soát, thay thế biển báo tốc độ 25; 30; 35 km/h trên các tuyến quốc lộ bằng biển báo 40 km/h. Trường hợp đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn, phải cắm biển tốc độ tương ứng (trên 40 km/h)…


Sau dấu ấn “xóa bẫy tốc độ”, tân Tổng cục trưởng tiếp tục tập trung vào hiện thực hóa chương trình hành động đã được ông bảo vệ xuất sắc tại cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng, cụ thể là việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe, công tác duy tu, bảo dưỡng truyền thống; công tác quản lý người lái và phương tiện... Tổng cục đã cử 8 đoàn công tác đang thanh, kiểm tra việc cơi nới thùng hàng tại các địa phương, kiểm tra vận tải vật liệu tại các dự án XDCB. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 8, đích thân tân Tổng cục trưởng đã xuống đường bắt xe quá tải tại khu vực công trường Nhà ga T2, Nội Bài. 
 

Theo quy định của Bộ GTVT, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển vào các chức danh phải có điểm thi đạt tối thiểu là 50 điểm (thang điểm 100); có kết quả điểm thi tuyển cao nhất trong số người dự thi tuyển. Trường hợp có từ hai người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau, Ban giám khảo sẽ thống nhất, quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp có số phiếu bằng nhau, Ban Giám khảo sẽ trình Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT xem xét, quyết định người trúng tuyển. 

Cùng đó là những văn bản mang tính “gỡ khó” của ông liên quan đến việc cấp đổi GPLX bằng vật liệu mới, hay quyết tâm thực hiện đấu thầu và nghiệm thu thanh toán theo chất lượng đầu ra nhằm tăng tính trách nhiệm của nhà thầu trong bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ. 

Nói về việc tổ chức thi tuyển chức danh cấp trưởng tại Bộ GTVT, PGS.TS. Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT trong hai nhiệm kỳ khẳng định, đây là sự thay đổi đáng chú ý trong công tác tổ chức cán bộ của Bộ GTVT.


Để tổ chức những kỳ thi tuyển như thế này, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã có riêng một Nghị quyết về việc xây dựng Đề án thi tuyển chức danh cấp trưởng. “Đây sẽ là cơ sở quan trọng, góp phần tạo bước đột phá để thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT Trần Văn Lâm nói. 


Trong nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng luôn khẳng định: “Quan trọng là phải tuyển người làm được việc, tuyển người thực tài chứ không phải là tuyển người có bằng cấp. Tổ chức thi tuyển là tốt nhất. Chỉ có tổ chức thi tuyển mới đảm bảo được sự công khai minh bạch, dân chủ, lựa chọn được đúng người, tránh được tiêu cực”.


Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Học nói: “Hình thức thi tuyển như thế này sẽ đảm bảo lựa chọn cán bộ khách quan, công tâm, lựa chọn được người có năng lực, tâm huyết, trí tuệ”.

Thanh Bình

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.