Xã hội

Muốn nhận tiền hỗ trợ, lao động mất việc trong dịch Covid-19 cần làm gì?

26/04/2020, 06:12

Lao động mất việc khi chưa có trợ cấp thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19 được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

img
Lao động mất việc khi chưa có trợ cấp thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19 được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng (Ảnh minh họa)

Theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, lao động mất việc khi chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng từ tháng 4 - 6/2020.

Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19, để được hưởng mức hỗ trợ này, người lao động cần có các điều kiện: Giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1/4/2020 và đang tham gia BHXH bắt buộc; Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 15/6/ 2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; Không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo.

Hồ sơ nhận hỗ trợ của người lao động bao gồm: Giấy đề nghị hỗ trợ (theo mẫu); Bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, Quyết định thôi việc, Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, Bản sao sổ BHXH hoặc xác nhận của cơ quan BHXH về BHXH bắt cuộc, BHTN (Trường hợp không có sổ BHXH thì người lao động nêu rõ lý do trong Giấy đề nghị)

Trình tự thủ tục, người lao động cần nộp hồ sơ lên UBND cấp xã.

Sau đó, UBND xã rà soát và xác nhận mức thu nhập, tổng hợp danh sách trình UBND cấp huyện. UBND cấp huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh trong 2 ngày làm việc.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ; Đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 3 ngày làm việc.

Trường hợp không phê duyệt, chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.