Hạ tầng

Muốn phát triển cảng biển, phải tập trung vào khu vực đã quy hoạch từ trước

11/09/2020, 18:45

Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, muốn phát triển các cảng biển cần tập trung vào khu đã quy hoạch từ trước, để đảm bảo sự đồng bộ.

img
Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 11/9, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về công tác quy hoạch phát triển cảng biển, quản lý hoạt động tuyến bờ ra đảo khu vực TP Cần Thơ.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, Cảng biển Cần Thơ trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) với chức năng là Cảng tổng hợp đầu mối khu vực (loại I) bao gồm các khu bến chính Cái Cui (quận Cái Răng), Hoàng Diệu (quận Bình Thủy), Cụm cảng Trà Nóc - Ô Môn - Thốt Nốt.

Trong đó khu bến Cái Cui đã xây dựng hoàn thành bến số 1 và bến số 2 với quy mô tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay cần tiếp tục đầu tư xây dựng các bến số 3 và bến số 4 để đạt quy mô hoàn chỉnh gồm 04 bến, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đồng bộ hiện đại, gắn kết với trung tâm logistics theo quy hoạch.

Đối với dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) cũng đã thông luồng kỹ thuật vào tháng 4/2017. Tàu biển có tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải đã ra vào được các cảng trên Sông Hậu.

Về tình hình triển khai đầu tư cảng biển Cần Thơ, khu bến Cảng Hoàng Diệu hiện có 5 bến chuyên dùng với 7 cầu cảng và 8 bến phao 10.000 - 25.000DWT của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam.

Khu bến Cảng Cải Cui, ngoài bến chính là Cảng Cái Cui đã đầu tư được 2/4 cầu cảng với chiều dài 365 mét, còn có bến Tân Cảng Cái Cui là bến tổng hợp, container với 180m chiều dài cầu cảng. Các bến chuyên dùng gồm Bến xăng dầu Petromekong và bến xăng dầu Đông Phương đang đầu tư, 2 bến phao 25.000DWT của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam và 3 bến 15.000DWT của Công ty CP Xây dựng Sài Gòn M.E.G.A.

img
Khu vực Cảng Cái Cui

Khu bến Trà Nóc - Ô Môn - Thốt Nốt hiện có bến tổng hợp, container chính là Trà Nóc của Công ty Lương thực Sông Hậu có cầu cảng dài 76 mét, tiếp nhận tàu hàng tổng hợp 2.500DWT. Các bến chuyên dùng gồm bến cảng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, các bến xăng dầu và 3 bến phao 10,000 - 15.000DWT của Công ty lương thực Sông Hậu, 2 bến phao 15.000DWT của Công ty CP Cảng Cần Thơ.

Riêng về tuyến bờ ra đảo, có tàu Trưng Nhị với sức chứa 600 khách do Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc đang khai thác tuyến Cần Thơ- Côn Đảo. Tuy nhiên, hiện tuyến đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và đánh giá lại tác động sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do cử tri phản ánh.

Ngoài ra, còn có Công ty CP Mai Linh Tây Đô hiện đang tiến hành các thủ tục để tham gia khai thác tuyến này cùng với Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc.

Cũng tại buổi làm việc, TP Cần Thơ kiến nghị bổ sung khu bến cảng Thốt Nốt (tách ra từ Khu bến Trà Nóc - Ô Môn - Thốt Nốt) vào cảng biển Cần Thơ; Bổ sung chức năng Cảng hàng hóa vào quy hoạch Cảng khách Cần Thơ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều; Bổ sung Cảng thủy nội địa để mở tuyến tàu cao tốc vận chuyển hành khách, hàng hóa tuyến Cần Thơ- Côn Đảo tại 2 vị trí cuối đường số 01 (đường vào trụ sở hành chính của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trước đây, thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và cuối đường Nguyễn Văn Cừ, (khu vực Cồn Khương cạnh nhà hàng Vạn Phát, thuộc địa bàn quận Ninh Kiều) cho phù hợp với quy hoạch của TP cũng như quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt.

Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Thủ trướng Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận bố trí vốn để sớm thi công giai đoạn 2 hoàn chỉnh dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Do hiện nay, hệ thống luồng tàu biển bị bồi lắng, không thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn từ 10.000 DWT đến 20.000 DWT, làm hạn chế năng suất hoạt động của khu bến cảng Cái Cui và các khu bến cảng khác trên sông Hậu.

Tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thống nhất với các ý kiến nghị của địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương khi muốn phát triển các cảng biển, cảng đường thủy nội địa, tàu khách trong nước cũng như Quốc tế thì cần tập trung vào khu vực đã được quy hoạch từ trước nhằm đảm bảo tính đồng bộ, vừa tạo được mỹ quan, trật tự an toàn, môi trường, vừa khai thác hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đối với dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện báo cáo và nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất muốn vào luồng sông Hậu, tuy nhiên vẫn còn quan ngại là luồng không đạt độ sâu 6,5m. Bộ và Cục Hàng hải đang cố gắng làm việc Bộ Tài nguyên và Môi trưởng để có sự thống nhất. Vừa kết hợp duy tu nạo vét luồng vừa tiến hành giai đoạn 2 nhằm phát huy hiệu quả lĩnh vực hàng hải, góp phần cho TP Cần Thơ phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.