Làm báo cùng Giao thông

Mương sinh học cho sân bay

20/09/2016, 07:08

Để xảy ra tình trạng hễ mưa là ngập như hiện nay không thể đổ lỗi cho trung tâm chống ngập.

2

Khu vực bãi đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập sâu đến 30 cm trong cơn mưa lớn chiều tối 26/8 - Ảnh: Otofun

Để khắc phục, theo tôi, mở rộng kênh A41 là giải pháp bền vững, chiếm khoảng 80%, còn lại 20% làm mương sinh học sẽ giúp chống ngập cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Căn nguyên của ngập lụt ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất xuất phát từ việc đô thị hóa không bền vững. Hiện nay, hễ mưa lớn kéo dài là gây ngập nặng cho sân bay.

Trước đây, khu vực này có con kênh A41 rất rộng là nơi thoát nước của khu vực quận Tân Bình, trong đó có Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Khi có mưa bão lớn, nước sẽ tự động đổ xuống kênh A41 và từ đó chảy ra các hướng khác. Một hướng chảy từ khu sân golf ra đường Phạm Văn Bạch rồi ra kênh Tham Lương - Bến Cát (chiều dài khoảng 2km). Hướng khác nước sẽ chảy về kênh Hy Vọng hay còn gọi là kênh Nhật Bản đi từ sân bay đến đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp). Hướng chảy này đảm trách việc thoát nước khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay. Một hướng quan trọng khác nước chảy về phía Nam qua các đường cống ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, con kênh A41 từ nhiều năm nay đã bị lấn chiếm và đến nay chỉ còn khoảng 2m. Không chỉ bị teo tóp, kênh A41 còn chứa đầy rác sinh hoạt và xà bần trong khu dân cư đổ ra nên hễ mưa là bị ngập cả khu vực.

Một giải pháp quan trọng là tới đây cần làm mương sinh học trong sân bay để trữ nước. Nói một cách đơn giản là nên làm các bể chứa nước ngầm ở bên dưới. Ví dụ khu vực này lưu lượng nước bao nhiêu, làm bể trữ nước có diện tích bấy nhiêu. Nước ở đó trữ lại một phần sẽ ngấm dần, phần còn lại thoát dần ra các kênh.

Tuy nhiên, việc mở rộng kênh A41 vẫn là giải pháp bền vững chiếm khoảng 80% chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Việc cải tạo kênh A41(khoảng 2m hiện nay) phải rộng lên 8m mới hiệu quả. Nhưng làm được điều này lại vướng vấn đề giải tỏa mặt bằng nên cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan mới thực hiện được. Phần 20% còn lại làm mương sinh học. Phải kết hợp cả hai giải pháp, vừa mở rộng kênh để thoát nước và trữ nước mới thành công. 

PGS.TS. Hồ Phi Long 
Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.