Hồ sơ tài liệu

Mỹ - Ấn "song kiếm" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

06/06/2016, 17:57
image

Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với Ấn Độ để đối phó âm mưu thâm độc của Trung Quốc tại Biển Đông.

2fcd97de-abba-462a-9ae4-3d45cf35ba7a

Tàu hộ tống tên lửa dẫn đường của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: PressTV

PressTV ngày 6/6 đưa tin, quân đội Mỹ đang thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Washington đang tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa từ Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực để tiếp tục chương trình “tự do hàng hải” tại Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Hôm 5/5, Washington Post dẫn lời Đô đốc Harris cho biết: “Trong tương lai không xa, tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ sẽ thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhau và trở thành cảnh tượng phổ biến được chào mừng ở khắp các vùng biển Ấn Độ - Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc với nhau để duy trì tự do trên biển cho tất cả các quốc gia”.

Hiện nay, Ấn Độ là nước đang tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự với Mỹ hơn so với bất kỳ nước nào khác, và cả hai nước đều đang nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng hợp tác hai bên.

Trước đó, hồi tháng 4, New Delhi đã đồng ý cho phép Washington sử dụng các căn cứ quân sự để đổi lấy công nghệ vũ khí, giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

Hai bên cho biết, lực lượng hải quân của họ sẽ có một buổi hội đàm về “chiến tranh chống tàu ngầm” – một lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và là chiến thuật chung mà chỉ có các nước đồng minh mới có thể chia sẻ với nhau.

Trong khi đó, các quan chức hải quân Ấn Độ thông báo, tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện trung bình 4 lần trong vòng ba tháng, chủ yếu gần các đảo Andamans và Nicobar trong vùng lân cận của eo biển Malacca của Ấn Độ Dương.

Theo PressTV, hơn 80% nguồn nhiên liệu của Trung Quốc phải đi qua khu vực này để tiến vào Biển Đông.

Bên cạnh đó, là một phần của hợp tác hải quân chống lại tàu ngầm Trung Quốc, hiện Mỹ và Ấn Độ đang cho thử nghiệm phiên bản mới của máy bay do thám P-8, được biết đến như là  thứ vũ khí tối tân săn tàu ngầm hiệu quả nhất của Lầu Năm Góc. Đây là máy bay có khả năng sử dụng ngư lôi, mìn sâu, tên lửa SLAM-ER, tên lửa chống hạm Harpoon và các vũ khí khác.

Quan hệ quân sự Mỹ - Ấn từng trở nên căng thẳng sau khi Ấn Độ thực hiện một loạt các vụ thử hạt nhân vào năm 1998. Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước đã được cải thiện sau khi Tổng thống Bill Clinton đến thăm Ấn Độ vào năm 2000. Hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận lịch sử về hợp tác hạt nhân vào năm 2008.

 Video Trung Quốc công khai xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.