Hồ sơ tài liệu

Mỹ cần hợp tác giải quyết vấn đề da cam/dioxin ở Việt Nam (Kỳ 1)

10/08/2014, 17:29

Sang năm 1962, chương trình rải chất độc diệt cây được thực hiện trên qui mô lớn, ở nhiều vùng thuộc các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đầu những năm 1960 là giai đoạn Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, theo công thức “cố vấn Mỹ cộng với quân đội nguỵ Sài Gòn”. Tuy nhiên, dù đổ vào nhiều tiền của, súng đạn và lực lượng cố vấn ngày càng tăng, Mỹ đã không thể ngăn cản được cuộc đấu tranh vũ trang ngày một phát triển mạnh mẽ của nhân dân miền Nam Việt Nam, trong đó đáng chú ý là lực lượng du kích đã gây cho Mỹ – ngụy nhiều tổn thất nặng nề. 

Kỳ 1: Hành trình tội ác

Do vậy, một số cố vấn quân sự Mỹ đã đề xuất “sáng kiến” dùng chất độc diệt cây vào việc khai quang những cánh rừng, đồng cỏ nghi có du kích ẩn náu. 

Trực thăng Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam
Trực thăng Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam

Từ tháng 8/1961, hoá chất diệt cây bắt đầu được vận chuyển đến Việt Nam. Các hoá chất này được chứa trong các thùng phuy (mỗi thùng chứa 55 gallon) với mã màu khác nhau: chất màu hồng, chất màu xanh lá cây, màu xanh da trời, màu tía, màu da cam. Mỗi loại hoá chất có thành phần hoá học khác nhau, nhưng nói chung đều có chứa dioxin. Ngay sau đó, những cuộc thử nghiệm sử dụng chất độc diệt cây bắt đầu được triển khai.

Sang năm 1962, chương trình rải chất độc diệt cây được thực hiện trên qui mô lớn, ở nhiều vùng thuộc các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào. Chiến dịch phun hoá chất diệt cây của Mỹ được mang tên "Operation Ranch Hand". Các phi công quân sự Mỹ trực tiếp đảm nhận lái máy bay rải chất độc hoá học. Nhằm tránh dư luận, các phi công này và chuyên viên kỹ thuật đều mặc thường phục, làm việc theo danh nghĩa là những chuyên gia tình nguyện trong lĩnh vực nông nghiệp, kí hợp đồng với chính quyền Sài Gòn. Cuộc chiến tranh hoá học thực sự đã lan rộng khắp miền Nam Việt Nam.

Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; hàng chục vạn quân Mỹ ồ ạt nhảy vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành cũng leo những nấc thang mới. Những loại chất độc mới được đưa vào sử dụng (như chất trắng), phạm vi ngày càng rộng, cường độ ngày một tăng, nhiều phương tiện mới được điều từ Mỹ sang miền Nam. Theo các cựu chiến binh Mỹ, số máy bay dùng vào việc rải chất độc hoá học đỗ công khai và chiếm một khoảng diện tích lớn trong sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là loại máy bay C-123 hai động cơ. Thông thường, mỗi tốp máy bay đi rải có 2 chiếc C-123, khi cần thiết có thêm máy bay tiêm kích F-4 yểm trợ. Máy bay chở chất độc trong các thùng chứa trên 4.000 lít, sơn màu da cam, màu xanh hay trắng để phân biệt loại chất độc, bay phun rải ở độ cao 40m. Từ các thùng chất độc, một thiết bị bơm cao áp hoạt động làm chất lỏng phun qua các ống ở hai bên cánh máy bay, với công suất 1.050l/h. Thời gian phun rải hết chất độc khoảng 3,5 giờ, diện tích phun rải khoảng 140ha. Phần lớn (90%) chất độc được rải xuống Việt Nam bằng máy bay C-123, phần còn lại (10%) bằng máy bay trực thăng, xe vận tải, binh lính đi bộ.

Tính chung trong thời gian 1961-1971, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải khoảng 80 triệu lít chất độc diệt cây (có tài liệu nói 82 triệu). Trong đó, chất màu tím chiếm 0,6%, chất màu xanh lá cây 2,5%, chất màu xanh 6,2%, chất màu trắng chiếm 26,7%, và nhiều nhất là chất da cam có chứa dioxin, 64%. Khoảng 90% chất diệt cây được phun trong thời gian 1966 đến 1969, và những chất có hàm lượng dioxin cao đều được phun vào giai đoạn đầu chiến dịch, hòng làm cho “Việt Cộng” không kịp trở tay.

Theo tài liệu của một số cơ quan nghiên cứu Mỹ, 10 khu vực của Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc hoá học của Mỹ nặng nhất là: Phước Long, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Long Khánh, Tây Ninh, Quảng Nam, Biên Hoà, Bình Dương, Quảng Trị, Kon Tum, chiếm tới 47% lượng chất độc mà quân đội Mỹ đã phun rải trên toàn miền Nam Việt Nam. Một số lưu vực sông cũng bị ảnh hưởng nặng nề là: lưu vực sông vùng Đông Nam Bộ (41% lưu vực), sông Hương (39%), sông Thạch Hãn (33%). Số chất da cam rải xuống đồng ruộng, làng mạc Việt Nam chiếm tới 64% tổng khối lượng chất độc diệt cây mà quân Mỹ sử dụng, với hàm lượng 366kg chất dioxin (có tài liệu nói 400-600kg, một “kỷ lục” trong lịch sử chiến tranh), trung bình 163mg/ha, cao gấp hàng trăm lần mức qui định dùng trong nông nghiệp.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.