Thế giới

Mỹ chuẩn bị gì trước nguy cơ tấn công từ Triều Tiên?

05/12/2017, 09:55

Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA) đang gấp rút khảo sát khu vực Bờ Tây để triển khai thêm biện pháp...

28

Các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể tấn công các mục tiêu trên đảo Guam và kể cả đất liền của Mỹ

Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA) đang gấp rút khảo sát khu vực Bờ Tây để triển khai thêm biện pháp phòng thủ mới trong bối cảnh các cuộc thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên làm dấy lên lo ngại về việc quân đội Mỹ sẽ tự vệ thế nào trước một vụ tấn công tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.

Củng cố hệ thống phòng thủ

Theo AP, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục đe dọa Mỹ và các đồng minh bằng cách phóng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tiêu biểu, vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 29/11 đã cho thấy bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vụ thử nghiệm mới nhất này cơ bản đã chứng minh khả năng quân đội Triều Tiên có thể tấn công vào bất cứ đâu trên lục địa Mỹ. Điều này đã gây áp lực lên Chính phủ của ông Donald Trump về việc cần thiết phải củng cố hệ thống phòng thủ trước một đối thủ tiềm tàng ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Ngày 29/11, Triều Tiên đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm xa (ICBM) mới, có thể bay xa 13.000 km cũng như công khai tuyên bố đặt Washington trong tầm ngắm.

Hạ nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng chiến lược - cơ quan giám sát các chương trình phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ nói rằng, MDA đang lên kế hoạch lắp đặt thêm hệ thống phòng thủ tại các khu vực ở Bờ Tây.

Tuy nhiên, khoản tài trợ cho hệ thống này không xuất hiện trong dự toán ngân sách quốc phòng năm 2018. Điều đó cho thấy việc triển khai các hệ thống đánh chặn này không dễ dàng được thực hiện trong một sớm một chiều.

Theo ông Mike Rogers, các biện pháp phòng thủ cho khu vực Bờ Tây của Mỹ có thể bao gồm Hệ thống phòng thủ đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tương tự như hệ thống đã được triển khai tại Hàn Quốc để chống lại một cuộc tấn công “tiềm năng” từ Triều Tiên.

“MDA còn đưa ra khuyến cáo về địa điểm, nơi không chỉ đáp ứng các tiêu chí của họ về vị trí, mà còn giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường”, một thành viên đại diện đảng Cộng hòa từ tiểu bang Alabama cho hay.

Khi được hỏi về kế hoạch này, Phó giám đốc của MDA, Chuẩn Đô đốc Jon Hill, tuyên bố: “MDA đến nay chưa nhận được lệnh thiết lập các hệ thống THAAD cụ thể ở bờ biển phía Tây”.

Theo AP, ông Rogers đã không tiết lộ những địa điểm chính xác mà MDA đang xem xét nhưng cho biết nhiều nơi đang được xem xét để thiết lập hệ thống THAAD.

Cùng với ông Rogers, Nghị sĩ Adam Smith, thành viên đảng Dân chủ đại diện của quận 9, Washington cũng cho hay, Chính phủ Mỹ hiện đang xem xét việc lắp đặt các hệ thống THAAD của Tập đoàn Lockheed Martin, hãng chuyên về thiết bị an ninh quốc phòng và hàng không vũ trụ. Số lượng các hệ thống THAAD sẽ được triển khai vẫn chưa được ấn định.

29
Xe phóng thuộc hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD của quân đội Mỹ

Trông cậy vào tên lửa đánh chặn của THAAD

THAAD là một hệ thống tên lửa đánh chặn bố trí trên đất liền, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung - xa. Như đã từng được bố trí ở Hàn Quốc và vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương, việc lắp đặt THAAD chỉ mất vài tuần.

Ngoài 2 tổ hợp gồm nhiều hệ thống THAAD được triển khai ở Hàn Quốc và đảo Guam, quân đội Mỹ hiện có 7 tổ hợp hệ thống THAAD khác. Một số tên lửa hiện có đặt tại các căn cứ ở Fort Bliss, Texas. Các hệ thống này có khả năng cơ động cao do được bố trí trên các xe phóng và đài radar cơ giới nên các vị trí hiện tại của chúng không được tiết lộ.

Tháng 6/2017, Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ đã thông báo với Quốc hội nước này về dự định bổ sung 52 đầu đạn đánh chặn THAAD cho quân đội trong giai đoạn từ tháng 10/2017 - 9/2018, nâng tổng số đầu đạn đánh chặn lên 210 kể từ tháng 5/2011.

Đại diện hãng Lockheed Martin từ chối bình luận về việc triển khai cụ thể THAAD nhưng cho biết “sẵn sàng hỗ trợ MDA và Chính phủ Hoa Kỳ trong nỗ lực phòng chống tên lửa đạn đạo tấn công của nước ngoài thù địch”. Quan chức của Lockheed Martin cho biết thêm việc thử nghiệm và triển khai THAAD là quyết định của Chính phủ Tổng thống Donald Trump.

Tháng 7 vừa qua, quân đội Mỹ đã tiếp tục thử nghiệm khả năng đánh chặn của Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và đã bắn rơi một tên lửa đạn đạo tầm trung giả định được phóng đi từ một đối thủ từ Thái Bình Dương. Thử nghiệm thành công đã tăng thêm sự tín nhiệm của chương trình phòng thủ tên lửa quân đội Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần chứng minh có thể bắn rớt tên lửa đạn đạo tầm trung (mid-range) và tầm trung-xa (intermediate-range). Tuy nhiên, hồ sơ thử nghiệm đã ghi lại nhiều lần thất bại mới xảy ra.

Từ tháng 1/2002 - 8/2017, Lầu Năm Góc đã thử đánh chặn 37 lần với các mục tiêu là tên lửa tầm trung. Trong đó, quân đội Mỹ bắn trúng 29 lần bằng tên lửa SM-3 bố trí trên tàu chiến có hệ thống phòng thủ lớp Aegis.

Như vậy, tính ra tỉ lệ thất bại là 21,6% - một con số quá cao và khó có thể chấp nhận đối với những loại vũ khí tối tân và đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối.

Hiện tại, lục địa Mỹ chủ yếu được bảo vệ bởi Hệ thống phòng thủ kỳ giữa trên mặt đất (GMD) đặt tại Alaska và California và hệ thống Aegis được triển khai trên các tàu Hải quân Hoa Kỳ. Hệ thống THAAD có tỷ lệ thành công thử nghiệm cao hơn GMD.

Trong khi nhiều người Mỹ lo lắng, một số nhà quân sự vẫn lạc quan, dù lần thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên cho thấy Thủ đô Washington của Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa chứng minh được họ đã làm chủ hoàn toàn công nghệ ICBM, đặc biệt là khả năng đưa đầu đạn hạt nhân hồi quyển (tái nhập khí quyển Trái đất) cũng như kích hoạt nguyên tử khi chạm mục tiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.