Hồ sơ tài liệu

Mỹ có để Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân?

21/03/2017, 07:02

Dư luận thế giới rộ lên đồn đoán cho rằng Nhật Bản sẽ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân...

9

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt tay trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á hôm 16/3 

Dư luận thế giới rộ lên đồn đoán cho rằng Nhật Bản sẽ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân sau các bình luận gây tranh cãi về vấn đề Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á tuần vừa qua.

Japan Times, một trong những trang báo chính thống của Nhật Bản cho hay, những đồn đoán về khả năng Tokyo sẽ phát triển vũ khí hạt nhân vì căng thẳng Triều Tiên rộ lên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kết thúc cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sau đó là tuyên bố cứng rắn của ông về Bình Nhưỡng khi đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Japan Times nói rằng, có thể chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ bất cứ phương án nào để chống lại Triều Tiên, trong đó, Washington bỏ ngỏ khả năng “bật đèn xanh” để Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân với mục đích phòng thủ.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu Mỹ có thay đổi quan điểm ủng hộ Tokyo và Seoul sở hữu vũ trang hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng hay không, ông Tillerson trả lời: “Chúng tôi sẽ cân nhắc tất cả các sự lựa chọn khi ngồi bàn đàm phán, song, chúng tôi không thể dự đoán trước tương lai. Điều quan trọng, cần hiểu rõ rằng tất cả các tình huống đều có thể diễn ra. Một khi lợi ích chung bị cản trở, lúc ấy, chúng tôi sẽ cân nhắc tới khả năng đó (để Nhật Bản có vũ khí hạt nhân)”, ông Tillerson nói.

Nhận định trái chiều

Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington nhận định, những bình luận của ông Tillerson về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản thể hiện sự đổi chiều trong tính toán của chính quyền Trump về vấn đề này.

Theo chuyên gia Glaser, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush có lần cũng đã cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí Đài Loan cũng sẽ làm vậy.

Tới thời Tổng thống Trump, chủ nhân Nhà Trắng cùng Ngoại trưởng Tillerson đã cam kết sẽ thực hiện chính sách ngoại giao khác biệt so với chính sách “kiềm chế chiến lược”, chờ đợi Triều Tiên của người tiền nhiệm Barack Obama. Điều này cho thấy một sự thay đổi có thể sẽ diễn ra. Tuy nhiên, một số nhà quan sát khác lại nhận định, bình luận gây tranh cãi của ông Tillerson thể hiện mối lo ngại ngày càng gia tăng và sự non yếu kinh nghiệm của chính quyền Tổng thống Trump.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Phi hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California nói: “Sở dĩ dư luận đồn đoán là do sự thiếu năng lực từ đội ngũ nhân viên “nghèo nàn” của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đội ngũ của ông Donald Trump không ít lần đưa ra những phát ngôn gây hiểu nhầm, mơ hồ”.

“Tôi không nghĩ có ẩn ý gì đằng sau bình luận của ông Tillerson. Đó chỉ như làn khói che trước tấm gương - một cách để đánh lạc hướng thực tế rằng, chính quyền Tổng thống Trump chưa có đề xuất nào để giải quyết mối đe doạ từ Triều Tiên”, ông Lewis nói.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn đang đối mặt chỉ trích vì đề xuất cắt giảm ngân sách ngoại giao gần 1/3, đồng thời chậm chạp trong việc đề cử các quan chức cấp cao. Tính đến cuối tuần qua, chính quyền ông Trump vẫn chưa đệ trình bất cứ đề xuất nhân sự nào của Bộ Ngoại giao (trừ đề xuất Ngoại trưởng Tillerson) lên Thượng viện để thông qua.

Bản thân ông Tillerson cũng đối mặt không ít chỉ trích vì ngăn cản hầu hết phóng viên Mỹ, không cho họ đi tháp tùng chuyến thăm quan trọng đầu tiên của ông tới châu Á. Trước đó, ông có nói rằng: “Tôi không phải là người muốn rình rang báo chí. Cá nhân tôi cảm thấy không cần thiết”.

Nhật sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân?

Van Jackson, Trợ lý Giáo sư Khoa Quốc phòng của Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ cho biết, những bình luận của Ngoại trưởng Tillerson là lời nhấn mạnh môi trường ngày càng rủi ro trên bán đảo Triều Tiên. “Ngôn từ của ông Tillerson là dấu hiệu nhãn tiền hé lộ những diễn biến sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu bình luận đó là sự thật, sẽ có hai cách thức thực tế mở ra trước mắt Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên: Tấn công phủ đầu hoặc phần nào buộc phải thừa nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân”, ông Jackson nhận định.

Theo ông Jackson, cả hai phương án đều tiềm ẩn rủi ro, nhưng nếu Mỹ chấp nhận một phần kế hoạch hạt nhân hoá của Triều Tiên thì lựa chọn này sẽ dẫn đến “hậu quả thứ hai”. “Đặc biệt, Mỹ phải chấp nhận mức độ có thể gây tổn thương trong vấn đề Triều Tiên, giống như cách Mỹ đang đối phó với Nga và Trung Quốc… Nếu Mỹ chọn phương án này, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu áp lực quân sự, cuối cùng hai nước này chắc chắn sẽ đi theo con đường hạt nhân”, ông Jackson chia sẻ thêm.

“Nếu tất cả sự lựa chọn đều được đặt lên bàn đàm phán thì điều quan trọng, không chỉ Mỹ mà cả các nước đồng minh đều phải chấp nhận khả năng có thể xảy ra tấn công hoặc bị tấn công bởi Triều Tiên”, ông Jackson nhận định và hy vọng, “điều này sẽ không xảy ra nhưng cũng không thể loại trừ”.

Các chuyên gia cho rằng, với dự trữ đáng kể plutonium cùng công nghệ kỹ thuật, Nhật Bản hoàn toàn có thể xây dựng kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chắc chắn động thái đó sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.