Góc nhìn

Mỹ còng lưng khôi phục đường sá sau siêu bão Matthew

20/10/2016, 06:08
image

Mỹ đang “còng lưng” khắc phục đường sá sau trận siêu bão biến hàng trăm con đường thành sông...

2
Nhiều con đường tại Mỹ bị biến thành sông sau trận lũ lịch sử

Thà đi vòng còn hơn chết đuối

Đã hơn một tuần kể từ khi cơn bão Matthew đổ bộ vào Mỹ, trong đó càn quét ác liệt nhất tại bang North Carolina gây thiệt hại nặng nề. Mưa lớn gây ngập lụt khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, riêng bang North Carolina có 25 người. Đây được đánh giá là con số thương vong cao nhất vì bão tại bang này từ trước đến nay, Thống đốc bang North Carolina cho biết.

Xét thiệt hại về vật chất, hạ tầng là một trong những mối lo ngại đau đầu nhất. Bởi, đa số trường hợp thương vong vì lũ là do người điều khiển phương tiện lái xe vào các tuyến đường ngập nước hoặc đã bị chặn. Không chỉ vậy, một khi đường sá ngập, người dân sẽ bị cô lập không thể đi lại, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền North Carolina cho biết, mưa lớn khiến hàng chục tuyến đường, đường cao tốc ngập sâu, có nơi phải di chuyển bằng xuồng; Hơn 100.000 cấu trúc, hạ tầng của bang bị ảnh hưởng, gây thiệt hại ước tính 1,5 tỷ USD. Vài ngày trở lại đây, mặc dù thời tiết đã cải thiện nhiều nhưng những nguy hiểm về lũ vẫn rình rập, theo Reuters ngày 17/10.

Vì nước ngập nhà, bà Detherine Hyman cùng mẹ và con gái Elizabeth ốm yếu, khuyết tật phải ngồi xe lăn, sơ tán khỏi nhà từ tuần trước. Từ đó đến nay, cả gia đình bà Hyman luôn phải ngủ trong xe ô tô, chờ nước rút. “Cuộc sống khó khăn quá. Tôi khóc ròng hai ngày nay nhưng cố phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ và con gái”, bà Detherine Hyman chia sẻ. Một trong những biện pháp để khắc phục sau lũ đó là chính quyền địa phương tận dụng tối đa công nghệ để thông tin tới người dân. Giới chức thành lập các đường dây nóng để thông báo tình hình khẩn cấp, trong đó có riêng một đường dây nóng để báo cáo tình hình đường sá (nơi nào có thể lưu thông, nơi nào còn ngập nước...) trong thời gian thực. Giới chức bang North Carolina liên tục cập nhật thông tin về các tuyến đường đã được mở lại, lộ trình các tuyến đường tránh ngập tới người dân trên trang web giao thông địa phương và qua ứng dụng trên điện thoại của chính quyền bang.

Bên cạnh đó, Thị trưởng Pat McCrory và Sở Giao thông North Carolina ra khuyến cáo người dân luôn cảnh giác cao độ và chú ý trong khi di chuyển trên đường vì tài xế rất có thể gặp nguy hiểm không thể nhìn thấy. Theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, trước khi ra khỏi nhà, người dân nên lên trang web ReadyNC.org của Chính phủ hoặc gọi đường dây nóng để kiểm tra điều kiện giao thông và tình trạng đường được mở lại trong thời gian thực. Nhiều tuyến đường bị chặn không được phép lưu thông vì ngập nước, sập hệ thống đường dây điện hay cây đổ. Chính quyền địa phương đưa ra khẩu hiệu dễ nhớ “turn around, don’t drown” (thà đi vòng còn hơn chết đuối) để cảnh báo người dân nếu gặp các tuyến đường bị lũ hãy lái xe vòng đường khác, theo CNN.

Nước rút vẫn chưa được lưu thông

Trong khi đó, cơ quan giao thông của bang huy động toàn bộ thiết bị và nhân lực tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhanh chóng đánh giá thiệt hại cầu đường sau lũ, hỗ trợ dọn dẹp và sửa chữa đường nhanh nhất có thể. Ngay cả những tuyến đường nước đã rút cũng chưa chắc được mở cửa lưu thông ngay. Bởi, theo chính quyền địa phương, dù mặt đường khô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như cấu trúc đường bị phá hủy do ngấm nước lâu ngày.

Thực tế, tại giao lộ đường cao tốc Skinner, nơi đây có kết cấu xốp nên nước có thể ngấm vào nhựa đường. Cũng trên con đường này, chỉ cách giao lộ khoảng 1km, nước vẫn ngập sâu đủ để nhấn chìm một xe tải quân sự lớn. Vì vậy, dù nước rút, đường Skinner vẫn bị ngăn cấm lưu thông đến khi khắc phục và sửa chữa đảm bảo an toàn.

Anh Michael McCullough - chịu trách nhiệm vận tải cứu hộ cho biết: “Tôi chứng kiến nhiều cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, nhiều con đường có hố sâu đến 1,5m”. Do vậy, dù nước rút và đường có vẻ thông thoáng nhưng các quan chức giao thông vẫn tiếp tục chặn để kiểm tra và dọn dẹp. “Khi nước rút, ngành giao thông vẫn phải cử người xuống để kiểm tra đảm bảo giao thông an toàn cho người dân di chuyển”, anh McCullough cho biết.

Theo Reuters, đến ngày 17/10, một tuần sau mưa lũ, trên toàn bang vẫn còn 570 con đường bị chặn vì ngập nước và cây đổ. Người phát ngôn Bộ Giao thông Mỹ Steve Abbott thông báo: “Một số đường có thể phải tạm ngừng lưu thông trong cả tháng, một số đường không thể lưu thông được nữa”. Theo ông, nhiệm vụ sửa chữa đường sá sau lũ cần rất nhiều thời gian vì quy mô thiệt hại lớn trong khi số lượng các đơn vị chất lượng chuyên sửa chữa đường lại hạn chế. Cũng theo người phát ngôn, vì Tổng thống Barack Obama tuyên bố tình trạng thảm họa liên bang đối với trận lũ Matthew nên Chính phủ sẽ hoàn trả bang North Carolina chi phí sửa chữa, khắc phục sau lũ. Nhưng thời điểm này, còn quá sớm để kết luận con số cụ thể là bao nhiêu.

Dùng máy bay không người lái khắc phục hậu quả bão

Công ty Viễn thông Verizon rất thức thời khi sử dụng máy bay không người lái xác định tình trạng ngập ở các phố Elm, N.C và khu vực sông Tar Reservoir rồi gửi báo cáo về cho kỹ thuật viên để xử lý, phục hồi đường dây trong vài giờ sau đó. Công ty Bảo hiểm Allstate cũng sử dụng máy bay không người lái để đánh giá thiệt hại tài sản.

Cách làm này an toàn và nhanh chóng hơn so với việc để một nhân viên trèo lên phần mái nhà bị hư hỏng để kiểm tra, theo Savannah Morning News.Tại các bang khác như: South Carolina, Georgia… các “đội” máy bay không người lái cũng tham gia vào công tác khắc phục và khảo sát hiện trường vùng ảnh hưởng do bão tương tự. Ngoài ra, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hay Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng sử dụng máy bay không người lái để thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn trong cơn bão.

Khả Ngân

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.