Thế giới

Mỹ đã thay đổi chính sách, dửng dưng, quay ngoắt với tất cả các đồng minh?

11/10/2019, 07:33

Cách hành xử của Mỹ đối với các đồng minh cho thấy chính sách ngoại giao của nước này đã thay đổi.

img
Mỹ có thể đã thay đổi chính sách ngoại giao với các đồng minh (ảnh minh họa), kể cả những nước quan trọng như Arab Saudi.

Cách hành xử của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong nhiều sự kiện gần đây như vụ cơ sở lọc dầu giá trị lớn của đồng minh thân cận Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái, hay Mỹ rút quân khỏi Syria bỏ mặc lực lượng người Kurd trước nguy cơ bị tấn công cho thấy chính sách ngoại giao của nước này đã thay đổi.

Ngại đầu tư sức mạnh quân sự và tiền bạc

Saudi Arabia lâu nay vẫn coi Mỹ là chiếc “ô an ninh” có thể che chở cho họ trước các mối đe dọa trong vùng Vịnh. Song, “chiếc ô” này đã không bật dù ra sau sự vụ hôm 14/9 vừa qua trong đó một số tên lửa mà phía Saudi cho là của Iran đã vượt mặt các hệ thống phòng thủ mà Mỹ cung cấp cho vương quốc vùng Vịnh và tấn công bể chứa dầu cùng nhiều cơ sở lưu trữ tại hai cơ sở sản xuất dầu mỏ quan trọng của nước này.

Tuy sự việc không gây thiệt hại quá nặng nề nhưng nó mang ý nghĩa chính trị quan trọng cho thấy đất nước giàu có ở vùng Vịnh dễ dàng bị tổn thương. Nếu như lúc này chiếc ô an ninh che chắn Saudi của Mỹ bật ra đúng lúc, thể hiện cho các đối thủ của vương quốc vùng Vịnh thấy nó đã che chở vững chãi thì mọi việc đã khác.

Nhưng lần này, Mỹ lại phản ứng dè chừng, né tránh bị lôi kéo vào chiến tranh và cho rằng trách nhiệm đáp trả lại hành động tấn công đó thuộc về chính quyền Riyadh.

Mặt khác, mới đây nhất, Mỹ gây sốc cho đối tác chống khủng bố tại Syria là lực lượng người Kurd khi tuyên bố rút quân khỏi khu vực Đông Bắc nước này, không tham gia vào các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực trong thời gian tới.

Lý do mà ông Trump đưa ra là vì Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều cho lực lượng này khi vừa trả tiền vừa cung cấp vũ khí cho họ, hơn nữa đây là lúc Mỹ phải thoát ra khỏi những cuộc chiến không có hồi kết.

Hành động đó đã khiến người Kurd tại Syria mất đi lớp vỏ bảo vệ trước các ý định tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy họ đến bờ vực bị dội bom bất cứ lúc nào.

Theo National Interest, phản ứng của Mỹ trước các sự việc trên là ví dụ điển hình cho thấy chính sách ngoại giao Mỹ đang đi theo xu hướng: không sẵn sàng đầu tư quân sự và nguồn lực kinh tế để đảm bảo an ninh của các nước đồng minh/đối tác.

Tờ báo này cho rằng, thái độ này không phải mới xuất phát dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump mà từ thời ông Barack Obama.

“Nước Mỹ được lợi gì?”

Thay đổi đầu tiên trong chính sách ngoại giao với đồng minh của Mỹ đó là: Khi bàn đến khả năng hành động quân sự, trừ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chống lại các nhóm khủng bố bị cô lập, cường quốc đứng đầu thế giới thường e ngại khả năng nhiệm vụ quân sự có thể bị leo thang, kéo Mỹ vào một vũng lầy khác như các nhiệm vụ dai dẳng, tốn kém mà Mỹ từng vướng vào tại Afghanistan và Iraq.

Mỹ gần như không bàn về những lựa chọn trung gian giữa thực hiện cuộc chiến toàn diện và không hành động bởi dư luận và những người đưa ra quyết định không còn tin vào khả năng kiềm chế các nhiệm vụ quân sự.

Điều này đã “trói tay các quan chức Mỹ” và đẩy ngưỡng cho phép Mỹ phải phản ứng bằng sức mạnh quân sự lên cao bởi họ không thể đảm bảo có thể thực hiện một cuộc tấn công quân sự lấp lửng giữa một cuộc chiến toàn diện và không hành động.

Mặt khác, tuy Mỹ không tiếc lời đe dọa tấn công mạnh mẽ nhưng độ tin cậy của những lời lẽ búa đao lại giảm đi rất nhiều. Việc dè chừng phản ứng quân sự của Mỹ đã tạo cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu hành động.

Thứ hai, khi nói đến các đồng minh, Tổng thống Trump không tập trung vào vấn đề trật tự thế giới, thay vào đó ông đưa ra câu hỏi cứng rắn và tập trung vào mục tiêu ngắn hạn đó là: Điều đó có lợi gì cho nước Mỹ?

Vì luôn hành động với mục tiêu này nên Nhà Trắng hướng đến bán vũ khí cho những đồng minh đang bị đe doạ chiến tranh, thay vì đưa quân tới đồn trú trên lãnh thổ của họ. Họ hành động dưới danh nghĩa bán những hệ thống vũ khí đắt đỏ cho các nước để giúp họ tự bảo vệ nước mình.

Thực chất, nó làm giàu cho nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ cho những triển vọng tái đắc cử vào năm 2020 đang diễn ra của ông Trump.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến Mỹ phản ứng nhạt nhoà trước vụ cơ sở sản xuất dầu của Saudi bị tấn công và theo National Interest, vụ việc này có thể trở thành bài học cho các đồng minh khác của Mỹ để họ chuẩn bị cho việc phải tự đối mặt với những thách thức an ninh trong tương lai, trong đó có Israel.

Tel Aviv có thể nhận thấy những thực tế mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ và phải đánh giá lại tổng thể về các kế sách dự phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.