Thế giới

Mỹ đòi Campuchia trả 500 triệu USD vay năm 1970

24/02/2017, 06:54

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi nợ Chính phủ Campuchia khoản tiền lên tới 500 triệu USD.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt và Bộ trưởng

Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn đàm phán về món nợ với Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi nợ Chính phủ Campuchia khoản tiền lên tới 500 triệu USD được vay từ những năm 1970 và đe dọa Campuchia sẽ phải trả giá nếu không hoàn nợ.

Campuchia nợ Mỹ bao nhiêu tiền?

Câu chuyện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi nợ Campuchia được tờ Nhật báo Campuchia (CD) đăng tải mới đây. Theo đó, đầu tháng 2 này, Đại sứ Mỹ tại Phnom Penh William Heidt lên tiếng đòi khoản tiền Campuchia vay Mỹ để cung cấp lương thực cho Campuchia dưới thời chính quyền Thủ tướng Lon Nol giai đoạn 1972 - 1974. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), số tiền này được Chính phủ Lon Nol vay mua gạo, bông, nhu yếu phẩm cho quân đội. Đồng thời, giai đoạn 1972 - 1974 là thời điểm Mỹ liên tục ném bom rải thảm ở nhiều vùng đất của Campuchia dọc biên giới giáp Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến tranh giữa quân đội Lon Nol với lực lượng Khmer Đỏ ở nước này.

Nhân dịp dự lễ khánh thành một ngôi chùa ở nước này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phản ứng lại yêu cầu của Mỹ và đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa món nợ mà chế độ Lon Nol vay.

Theo ông Hun Sen, đây là món nợ của những người thân Mỹ nhằm phục vụ chiến tranh, thậm chí Mỹ mang cả bom hóa học rải xuống Campuchia. Cùng với đề xuất của Thủ tướng Hun Sen, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP - Đảng đối lập), cũng vận động Mỹ hủy món nợ này vì Campuchia đang phải trả nhiều khoản nợ khác, trong đó có món nợ của Nga.

Dù vậy, trong buổi tiếp chuyện với báo chí đầu tháng 2 vừa qua, Đại sứ Mỹ William Heidt tại Campuchia khẳng định, Mỹ không bao giờ tính chuyện thương thảo hay hủy món nợ nhưng Mỹ sẵn sàng tìm một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Nếu Campuchia không trả nợ Mỹ…

Đại sứ William Heidt cảnh báo, nếu không trả nợ Mỹ và các chủ nợ khác, Campuchia sẽ khó có mối quan hệ hữu hảo với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc có thêm cơ hội vay tiền từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Ông William Heidt cho biết, ông theo dõi các món nợ của Campuchia từ khi còn là nhân viên ngoại giao kinh tế ở Phnom Penh cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, Campuchia được phép trả món nợ trong 40 năm và không bị tính lãi trong 16 năm. “Lúc đó, số tiền chưa tới 200 triệu USD. Nhưng nay, 19 năm sau, khi tôi trở lại, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nên món nợ đã tăng lên 500 triệu USD (cả gốc lẫn lãi)”, ông Heidt cho biết.

“Đây là điều đáng tiếc, Campuchia không nên là quốc gia nợ nần vì nước này đang đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài dồi dào và nguồn thu của Chính phủ nhanh chóng nảy nở”, vị Đại sứ khẳng định.

Tuy nhiên, phản ứng về điều này người phát ngôn của Đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP), ông Sok Eysan cho rằng, bình luận của Đại sứ Heidt là chưa đúng. Ông tranh luận: Campuchia muốn Mỹ xóa nợ vì số tiền đó không được dùng để phát triển đất nước, mà phục vụ chiến tranh, mua bom. “Chính người Mỹ đã tàn phá đất nước Campuchia, mang bom đến Campuchia, nay lại còn đòi tiền những người bị hại”, tờ Nhật báo Campuchia dẫn lời ông Eysan cho biết.

Thực tế, nhiều người Mỹ cũng cho rằng, ông Hun Sen không cần phải trả nợ và khẳng định việc Mỹ nên xóa món nợ chiến tranh này. Điển hình, nữ nhà báo người Mỹ Elizabeth Becker, người từng có mặt tại chiến tranh Đông Dương trong những năm ác liệt cho hay, Chính phủ Mỹ chưa bao giờ nhận trách nhiệm trước những tổn thất to lớn mà họ gây ra đối với người dân ở khu vực Đông Dương như: Việt Nam, Lào và Campuchia.

“Việc tiếp tục đòi nợ thời Lol Nol là hành động phi luân thường đạo lý. Chưa kể, chính Mỹ mới là nước nợ các nước Đông Dương nhiều đến mức không thể tính được bằng tiền”, nhà báo Becker bức xúc nói. Cô Elizabeth Becker dẫn chứng số liệu: Chỉ trong vòng 8 năm từ 1965, Mỹ đã rải 2,75 triệu tấn bom xuống hơn 113.000 điểm tại Campuchia. Ước tính số lượng người Campuchia bị thiệt mạng từ 5.000 đến hơn nửa triệu người.

Một nhận định khác cũng ủng hộ Campuchia đến từ ông Kenton Clymer, tác giả cuốn The United States and Cambodia, 1969 - 2000: A Troubled Relationship (Mỹ và Campuchia giai đoạn1969 - 2000: Mối quan hệ rắc rối). Ông Clymer cho rằng, dù việc đòi nợ phù hợp với những thông điệp của ông Trump nhưng không phù hợp với Campuchia. Việc Campuchia từ chối trả nợ cho Mỹ có thể cản trở Campuchia tiếp cận các nguồn vốn thị trường thế giới, song, không vì thế Mỹ có thể ép Campuchia. Chính phủ của ông Trump có thể gây sức ép ở nhiều lĩnh vực khác nhưng không nên động đến những gì đã từng diễn ra trong quá khứ, nhất là khi Mỹ đơn phương gây ra chiến tranh với quốc gia nhỏ bé này, ông Clymer bày tỏ quan điểm.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.