Hồ sơ tài liệu

Mỹ - Hàn bắt tay đối phó "mối đe dọa Triều Tiên"

20/05/2015, 18:30

Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tại Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng đối phó với Triều Tiên.

111

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Trong chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày 18-19/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định tiếp tục mối quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước trước bất cứ mối đe dọa nào.

Triều Tiên lại thử tên lửa

Hôm qua, hãng Kyodo cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ Quốc gia (NADA) chuẩn bị phóng thử tên lửa mang theo vệ tinh vào tháng 10 tới nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nghi ngờ đây là một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - Nah Seung-yong cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên.

Theo Reuters, ông Kerry nhấn mạnh, liên minh Mỹ - Hàn tốt đẹp nhất từ trước tới nay và sẽ đoàn kết trong đối phó với mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Theo ông Kerry, cách hành xử gần đây cho thấy Bình Nhưỡng không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân; do đó cần phải có những bước đi cần thiết, gia tăng sức ép; đồng thời, sẽ thảo luận với Trung Quốc vào tháng tới để gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh sự ổn định nội bộ của Triều Tiên đang trở thành vấn đề quan tâm sau những đồn đoán về số phận của những nhân vật cấp cao và nước này cũng như nước này vừa loan báo thử thành công tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm, hành động vi phạm các lệnh cấm của Liên hợp quốc (LHQ).

Tăng cường liên minh quân sự

Trong các cuộc hội đàm tại Hàn Quốc, ông Kerry gần như loại bỏ mọi khả năng nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân với Triều Tiên và thay vào đó kêu gọi tăng cường các liên minh quân sự, gia tăng áp lực quốc tế để buộc nước này thay đổi thái độ. Hiện các chuyên gia phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng có thể có tới 20 đầu đạn hạt nhân. Và ông Kerry cam kết sẵn sàng ở mức cao nhất với mọi biện pháp, kể cả việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm tăng cường khả năng răn đe và đối phó với các mối đe dọa có thể xảy ra.

“Khi ông Kim Jong-un cho tiến hành nhiều hoạt động khiêu khích và phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân bất chấp lệnh cấm của LHQ, vậy chúng ta cần triển khai tàu, lực lượng... Chúng ta đang nói về THAAD và không ai có thể biết tuyến phòng thủ của Mỹ tại Seoul sẽ làm những gì”, ông Kerry nói. Trước đó, Washington cho biết sẵn sàng triển khai THAAD và 28 nghìn binh sỹ tại Hàn Quốc trước các nguy cơ.

Trước đó, Hiệp ước tình báo tay ba Mỹ-Nhật-Hàn đã được ký. Hiệp ước này giúp ba nước chia sẻ thông tin, phản ứng nhanh trước mọi động thái bất ngờ từ phía Triều Tiên. Và một trong những ưu tiên hàng đầu của sự hợp tác ba bên là: Kết hợp hệ thống tên lửa phòng thủ KAMD hiện có của Hàn Quốc với hệ thống THAAD đề xuất của Mỹ. Một khi xuất hiện những nguy cơ bị tấn công, Mỹ sẽ thực thi cam kết, bất kể loại hình và vị trí.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, xét tính chất cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc, thì khu vực hàng hải xung quanh đảo Jeju được xem là “huyết mạch sống còn” của quốc gia. Căn cứ hải quân Jeju là cơ sở độc quyền của Hàn Quốc, nhưng gần đây đã mở cửa cho Mỹ tiếp cận. Về phía Mỹ, thông qua Jeju sẽ giúp Mỹ thực hiện chiến lược hướng Đông và “tái cân bằng” tiềm năng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo nhận định, tình hình an ninh trong khu vực đang trở nên bấp bênh nên việc tiếp duy trì quy chế các lực lượng giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ cho phép hai nước đồng minh có thể răn đe trước các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.