Thế giới

Mỹ lo lắng Trung Quốc lôi kéo đồng minh

26/03/2015, 09:30

Ngày càng nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ đã thông báo sẽ tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.

111
Tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu

Ngày càng nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ đã thông báo sẽ tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc đề xuất thành lập có số vốn khởi điểm 50 tỷ USD, khiến Mỹ "đứng ngồi không yên".

Lũ lượt gia nhập

Hôm qua (25/3), Bộ Ngoại giao Áo thông báo sẽ tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Trước đó, quyết định này đã được thông qua tại cuộc họp nội các ngày 24/3. Bộ trưởng Tài chính Áo cho biết, tham gia AIIB nhằm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia châu Á, các công ty Áo cũng cần có đại diện tại khu vực này và sẽ dễ dàng hơn nếu tham gia AIIB, theo AFP.

Trước Áo đã có các nước châu Âu tham gia như: Anh, Pháp, Đức, Luxembourg, Thụy Sĩ, Italia. Cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố ủng hộ thành lập AIIB với điều kiện ngân hàng này phải đảm bảo sự minh bạch và không do một quốc gia đơn lẻ nào điều hành.  

Còn Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop cho biết, nước này đang xem xét các vấn đề liên quan đến quản lý, vận hành trước khi đưa ra quyết định cuối cùng có gia nhập hay không. Thời hạn đăng ký gia nhập AIIB là ngày 31/3. Hiện có khoảng 20 nước tham gia AIIB, trong đó có những nước như: Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Qatar, Saudi Arabia… Ngay cả Nhật Bản cũng có những tuyên bố ủng hộ thận trọng về AIIB.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Lou Jiwei cho biết, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm nay và sẽ thông báo với Mỹ và Nhật Bản về việc này. Ý tưởng thành lập AIIB được Trung Quốc đưa ra hồi tháng 10/2014, với mục đích gia tăng đầu tư trong hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông… tại các nước châu Á đang phát triển. Văn bản điều lệ thành lập sẽ được hoàn thành cuối năm nay.

Tại AIIB, Trung Quốc đóng góp khoảng 49% trong tổng vốn 50 tỷ USD. Liên quan đến tỷ lệ phiếu của các thành viên sáng lập, có phương án, 27 nước châu Á chiếm 75% tỷ lệ phiếu; 25% còn lại của các nước ngoài châu Á.

Mỹ lo ngại

Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh châu Âu cân nhắc kỹ việc tham gia AIIB. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew lo ngại ngân hàng này sẽ “ngáng chân” các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tờ Wall Street Journal  (Mỹ) nhận định, AIIB sẽ là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ngoại giao. Tờ này cũng dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính Mỹ rằng, dù thận trọng trước sự hình thành của AIIB, nhưng Washington chấp thuận kêu gọi tổ chức này hợp tác với WB.  

Tờ Le Monde (Pháp) nhận định trong bài viết “Mai phục trên Con đường tơ lụa” cho rằng, AIIB đang gây chia rẽ trong nội bộ phương Tây và việc Mỹ phản đối AIIB là một sai lầm chiến lược. Trung Quốc muốn sử dụng AIIB để phát triển dự án “Con đường tơ lụa mới” thông qua các dự án cầu đường, cảng biển, đường sắt, sân bay hay viễn thông... mà châu Á vẫn còn đang thiếu. Một trong những dự án đầu tiên do AIIB tài trợ sẽ là tuyến đường sắt Bắc Kinh - Bagdad.

Hiện, thế giới tài chính có ba định chế lớn là WB, IMF, ADB; do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lãnh đạo. Các nước mới trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc cho rằng, cả ba định chế này không còn phù hợp với tình hình kinh tế toàn cầu. Theo các nhà quan sát, việc một loạt nước đồng minh châu Âu tham gia AIIB phần nào thể hiện nỗi thất vọng trước việc trong nhiều năm qua, Mỹ trì hoãn việc cải tổ quyền bỏ phiếu tại các tổ chức quốc tế, nhằm dành cho các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói hơn nữa trong kinh tế - tài chính toàn cầu.

Như để trấn an Mỹ, ông Lou Jiwei khẳng định, AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác như ADB và WB. Trong khi đó, nhà kinh tế Fred Bergsten thuộc Viện Peterson (cựu viên chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ) đang yêu cầu Mỹ gia nhập AIIB để có thể kiểm soát “hành vi” của Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.