Hồ sơ tài liệu

Mỹ lo ngại mầm mống khủng bố từ nhân viên sân bay

14/02/2017, 18:19
image

Cơ quan an ninh Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh tiềm ẩn từ chính bên trong nội bộ nhân viên.

My lo ngai (1)

Mỹ lo ngại nguy cơ khủng bố từ nội bộ nhân viên sân bay.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tị nạn, nhập cư để ngăn chặn các phần tử khủng bố trà trộn, xâm nhập gây tổn hại an ninh nội địa Mỹ nhưng cơ quan an ninh Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh tiềm ẩn từ chính bên trong nội bộ nhân viên làm việc tại sân bay Mỹ.

Cảnh báo lỗ hổng an ninh

Mới đây, Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ công bố báo cáo mới, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng gia tăng trước các mối đe dọa khủng bố từ nội bộ nhân viên sân bay của Mỹ. Hãng tin ABC News trích báo cáo nêu rõ những mối đe doạ tiềm ẩn nảy sinh từ nội bộ như “âm mưu đánh bom tại sân bay, buôn lậu súng, buôn lậu các thiết bị nổ… và dính líu tới các hoạt động khủng bố ở nước ngoài”. Vì những mối đe dọa này, “các sân bay và máy bay của Mỹ rất dễ bị tổn thương. Trong khi đó, các tiêu chuẩn an ninh hiện nay gần như không thể ngăn chặn những kẻ có khả năng tiếp cận từ bên trong để gây tổn hại cho sân bay hoặc máy bay của Mỹ”, báo cáo cho biết.

Ủy ban An ninh nội địa thống kê, trong số 900.000 nhân viên làm việc tại các sân bay trên khắp nước Mỹ, phần lớn đều có thể qua cửa kiểm soát an ninh theo tiêu chuẩn thông thường. Chỉ ba sân bay (Miami, Orlando và Atlanta) yêu cầu rà soát kỹ 100% nhân viên cùng hành lý trước khi cho phép họ vào khu vực an ninh sân bay. Các sân bay còn lại chỉ rà soát an ninh ngẫu nhiên. Quy trình kiểm tra ngẫu nhiên này lộ lỗ hổng an ninh có thể bị những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” do các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khơi mào - báo cáo cho hay.

Thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, nước Mỹ chứng kiến nhiều trường hợp nhân viên sân bay làm việc trong các khu vực an ninh gia nhập các tổ chức khủng bố. Chẳng hạn, lái xe đẩy hàng tại sân bay St. Paul (Minneapolis) và một nhân viên phụ trách nhiên liệu tại cùng sân bay này đã gia nhập các tổ chức khủng bố như al-Shabaab, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hay một nhân viên hợp đồng tại sân bay Fort Worth (Dallas) tuyên bố có thể đưa một quả bom lên máy bay với giá 4.000 USD; Sau đó, nhân viên này đã bị bắt, bị truy tố và phạt tù 15 năm.

Trước đó, báo cáo từ một cơ quan thanh tra khác của Mỹ công bố năm 2015 cho biết, 73 nhân viên hàng không có khả năng dính líu tới các tổ chức khủng bố nhưng vẫn không bị phát hiện qua quá trình kiểm tra hồ sơ lý lịch.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Qua báo cáo trên, Chủ tịch Uỷ ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho biết: “Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác coi hàng không là “báu vật” để chúng thực hiện các hành động phá hoại an ninh nội địa Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ngăn chặn mọi động thái, không để "mất bò mới lo làm chuồng”.

Để ngăn chặn mối đe dọa này, Ủy ban An ninh nội địa Mỹ đưa ra một số đề xuất với Chính phủ. Trong đó, cơ quan này đề nghị các sân bay “đánh giá chi phí, tính khả thi để mở rộng quy trình khám xét đối với nhân viên; Cân nhắc lắp đặt thêm các thiết bị để tăng cường bảo mật cửa ra vào các khu vực an ninh (như vân tay hoặc quét retina)”. Ủy ban này kêu gọi cơ quan an ninh phải “liên tục kiểm tra lý lịch và nhanh chóng phản ứng trong trường hợp các nhân viên bị mất thẻ ra - vào”.

Là cơ quan đảm bảo an ninh tại sân bay, Cơ quan An ninh vận tải Mỹ (TSA) đánh giá cao báo cáo và hiệu quả thông tin trong báo cáo của Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ. Phía TSA khẳng định: “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các báo cáo và sẽ hợp tác với ủy ban cùng ngành Hàng không, cộng đồng tình báo, các đối tác luật để đảm bảo an toàn đối với toàn bộ các phương thức vận tải”.

Thực tế, việc tăng cường an ninh, bảo mật đối với nhân viên sân bay đã được cân nhắc từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên đã bị trì hoãn. Một số vấn đề như “đấu đá nội bộ trong chính ngành Hàng không, tranh cãi pháp lý, sự bất tiện, lo ngại về tài chính…” là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cải cách thủ tục an ninh. Ông John Katko, Chủ tịch Tiểu ban giao thông Hạ viện Mỹ chỉ trích, cơ quan TSA, được thành lập chỉ vài tuần sau vụ khủng bố ngày 11/9, rất chậm chạp trong cải cách. Sau 16 năm hoạt động, trải qua 6 đời lãnh đạo nên TSA từ lâu mất ổn định, thiếu đường lối hoạt động thông suốt.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.