Thế giới

Mỹ ngầm theo đuổi biện pháp ngoại giao với Triều Tiên

02/11/2017, 09:35

Mỹ vẫn âm thầm theo đuổi biện pháp ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên dù thời gian gần đây Tổng thống Donald Trump...

27

Ông Joseph Yun, đặc phái viên chính sách Triều Tiên của Mỹ

Mỹ vẫn âm thầm theo đuổi biện pháp ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên dù thời gian gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngại ngần khẩu chiến và cảnh báo Triều Tiên về khả năng sử dụng biện pháp vũ lực.

Những cuộc tiếp xúc kín sau hậu trường

Ngày 1/11, trong báo cáo độc quyền dẫn nguồn tin giấu tên từ quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, hãng tin Reuters tiếp tục cho biết, Washington đang lặng lẽ sử dụng một phương tiện kết nối gọi là “kênh New York” để thực hiện các cuộc liên lạc giữa ông Joseph Yun, đặc phái viên chính sách Triều Tiên của Mỹ và các nhà ngoại giao trong phái đoàn của Bình Nhưỡng tại Liên hợp quốc. Các cuộc liên lạc diễn ra trong thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un liên tiếp đe dọa khiến dư luận lo ngại có thể xảy ra xung đột quân sự.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 17/10 cho biết, ông sẽ tiếp tục “những nỗ lực ngoại giao... cho đến khi Triều Tiên thả quả bom đầu tiên” và theo nguồn tin này, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, Mỹ đã trực tiếp đàm phán nhiều vấn đề khác ngoài việc thả các tù nhân Mỹ, dù ông Trump coi việc đối thoại trực tiếp với chính quyền của ông Kim Jong -un là lãng phí thời gian.

Dẫu rằng, dựa trên những bình luận của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên, tình hình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng, nhiều quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã nghi ngại sự tương tác giữa ông Yun và Triều Tiên có thể đã bị hạn chế. Nhưng, nguồn tin của Reuters khẳng định “hoàn toàn không có chuyện kiềm chế”. Ngoài ra, trong số các điểm mà ông Yun đề cập với phía Triều Tiên, có yêu cầu Bình Nhưỡng “dừng thử nghiệm” bom và tên lửa hạt nhân, nguồn tin cho biết.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết: Có thể, ở đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông Yun được chỉ thị hạn chế những hoạt động tìm cách thả các tù nhân Mỹ nhưng nay đã được mở rộng hơn. Kênh New York là một trong số ít kênh mà Mỹ có để liên lạc với Triều Tiên. Hoạt động liên lạc cấp cao gần đây nhất giữa ông Yun và quan chức Triều Tiên là khi ông tới Triều Tiên hồi tháng 6 để đảm bảo hoạt động thả sinh viên Warmbier, quan chức Bộ ngoại giao Mỹ cho hay. Chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu Triều Tiên thả ba công dân Mỹ khác gồm: Nhà truyền giáo Kim Dong Chul, các học giả Tony Kim, Kim Hak Song.

Đàm phán vẫn là giải pháp tốt nhất

Tuy nhiên, thực tế không có dấu hiệu cho thấy, các cuộc tiếp xúc hậu trường này đã góp phần giúp cải thiện quan hệ Washington - Bình Nhưỡng vốn trở nên căng thẳng vì liên tiếp xảy ra các sự việc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, cái chết của sinh viên Đại học Mỹ Otto Warmbier vài ngày sau khi được Bình Nhưỡng thả về nước hồi tháng 6 cũng như việc bắt giữ 3 người Mỹ khác.

Cụ thể, cái chết của sinh viên Warmbier là một nhân tố khiến đường dây liên lạc của Triều Tiên - Mỹ nguội lạnh nhưng tác động lớn nhất chính là từ việc Bình Nhưỡng không ngừng thực hiện các vụ thử nghiệm tên lửa - quan chức này cho biết. Năm nay, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 với sức mạnh khủng khiếp nhất và thử hàng loạt tên lửa bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà nếu hoàn thành, về lý thuyết, vũ khí này hoàn toàn có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Nguồn tin ngoại giao trên cho rằng, dù thế nào, “các bên không mong muốn điểm kết thúc là một cuộc chiến mà là giải quyết ngoại giao”. Theo ông, ngoại giao “có nhiều đất để xúc tiến hơn” nhưng lo ngại, những lời đe dọa của Tổng thống Trump với Triều Tiên hiện nay đang làm phức tạp hóa thêm các nỗ lực này.

Không thể có hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Trong một diễn biến khác cùng ngày 1/11, liên quan tới vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trước Quốc hội khẳng định: Seoul sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân hay việc bản thân Seoul theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông Moon nói, sẽ không có hành động quân sự nào diễn ra trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc và Chính phủ sẽ tiếp tục xúc tiến các biện pháp vì hòa bình trên bán đảo này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo, Bắc Kinh và Seoul sẽ tiếp tục sử dụng các phương tiện ngoại giao để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên sau cuộc họp tại Bắc Kinh giữa ông Lee Do-hoon, đại diện Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên và người đồng cấp Trung Quốc Kong Xuanyou.

Bình luận của Tổng thống Hàn Quốc và thông báo từ phía Trung Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi hai nước nhất trí bình thường hóa quan hệ nhằm chấm dứt bế tắc kéo dài suốt cả năm nay về việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.