Thế giới

Mỹ, Nhật tăng cường động thái cứng rắn với Triều Tiên

01/08/2017, 09:05

Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí cần có thêm hành động với Triều Tiên...

31

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhất trí tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên

Trong cuộc điện đàm sáng qua (31/7), Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí cần có thêm hành động với Triều Tiên sau khi nước này vừa tiếp tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tăng cường hành động đối phó với Triều Tiên

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, cuộc điện đàm kéo dài 50 phút. Thông báo từ Nhà Trắng cho biết, hai lãnh đạo “nhất trí Triều Tiên gây ra mối đe dọa trực tiếp, ngày càng nghiêm trọng đối với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước gần xa trong khu vực”.

Theo thông báo, ông Trump tái khẳng định cam kết “vững chắc như bọc thép” của Mỹ để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc trước mọi cuộc tấn công, sẵn sàng huy động toàn lực mà Mỹ sẵn có.

Trao đổi với phóng viên sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế bao gồm Nga, Trung Quốc cần phải tăng cường gây áp lực và nghiêm túc về vấn đề này”, ông Abe nói và cho biết, Nhật và Mỹ sẽ tăng cường những động thái cứng rắn với Triều Tiên nhưng ông không nêu chi tiết nội dung.

Người phát ngôn Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Koichi Hagiuda khẳng định: “Ông Abe và ông Trump không bàn về hành động quân sự với Triều Tiên hay những động thái sẽ thực hiện khi Bình Nhưỡng vượt “ranh giới đỏ” nhưng cùng đồng tình, vai trò mà Trung Quốc có thể đóng góp là vô cùng quan trọng. Nhật dự định sẽ kêu gọi các nước/tổ chức liên quan bao gồm Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ, Hàn Quốc và cả Trung Quốc, Nga thực hiện hành động, trách nhiệm cao hơn để gia tăng áp lực với Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đang trong kỳ nghỉ sẽ sớm sắp xếp cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên. Đồng thời, Seoul và Washington rục rịch tổ chức một cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng trong một ngày gần nhất để bàn về vấn đề này, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap. Dự kiến, cuộc gặp sẽ diễn ra trước cuộc họp Tư vấn An ninh (SCM) thường niên giữa Mỹ - Hàn vào tháng 10 tới.

Mỹ thất vọng với Trung Quốc

Đầu tuần này (31/7), hai ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ 2, trong một thông báo, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết, Mỹ sẽ không kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức họp khẩn về các vụ thử tên lửa Triều Tiên vì sẽ chẳng có kết quả gì. Bà Nikki Haley nói, một cuộc họp như vậy chỉ khiến Triều Tiên hiểu rằng, cộng đồng quốc tế không sẵn sàng thách thức Bình Nhưỡng.

Cũng trong thông báo, Đại sứ Haley nói, Triều Tiên vốn đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an LHQ nhưng họ coi thường tất cả. “Những lệnh trừng phạt bổ sung của Hội đồng Bảo an LHQ nếu không làm tăng áp lực quốc tế lên Triều Tiên thì không có giá trị”.

Mặt khác, bà Haley nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải tăng cường trừng phạt Triều Tiên. “Trung Quốc phải quyết định cuối cùng họ đã sẵn sàng thực hiện động thái quan trọng hay chưa. Thời gian để đàm phán đã hết”, bà Haley nói thêm. Trước đó, ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thể hiện sự thất vọng với Bắc Kinh.

Qua Twitter, ông Trump nói: “Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Những lãnh đạo tiền nhiệm của chúng ta đã cho phép Bắc Kinh kiếm hàng trăm tỉ USD/năm nhờ hoạt động thương mại, nhưng...”, ông Trump nói và bỏ lửng chia sẻ đầu tiên trên Twitter. Ông tiếp tục “xả giận” trong chia sẻ thứ 2 trên mạng xã hội Twitter: “Họ không thực hiện động thái nào với Triều Tiên, chỉ nói miệng. Mỹ sẽ không cho phép điều này tiếp diễn. Mỹ hoàn toàn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này”.

Về phía mình, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Qian Keming cho rằng, vấn đề Triều Tiên và quan hệ thương mại Mỹ - Trung là hai phạm trù khác biệt. Hai việc hoàn toàn không liên quan và không nên bàn hai vấn đề này cùng nhau.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc có bài bình luận chỉ trích chia sẻ của ông Trump trên Twitter là không đúng và ông không hiểu vấn đề. “Bình Nhưỡng kiên quyết phát triển chương trình tên lửa, hạt nhân, không quan tâm đến mối đe dọa quân sự từ Mỹ và Hàn Quốc. Vậy, làm sao các lệnh trừng phạt từ Trung Quốc có thể thay đổi được tình hình?”, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.