Quân sự

Mỹ nói phi thuyền bí mật Trung Quốc vừa phóng có thể là bản sao của X-37B

06/09/2020, 08:19

Theo báo Drive của Mỹ, mục đích chính xác của nhiệm vụ do phi thuyền bí mật của Trung Quốc thực hiện vẫn chưa rõ ràng.

img
Trung Quốc phóng phi thuyền vũ trụ bí mật vào ngày 4.9.2020 tại Tửu Tuyền.

Hôm 4/9 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã phóng thành công một “tàu vũ trụ thí nghiệm có thể tái sử dụng” từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền nằm ở sa mạc Gobi, khu vực Tây Bắc của Trung Quốc.

Space-Track.org, một trang web cơ sở dữ liệu trực tuyến của chính phủ Hoa Kỳ về các vụ phóng không gian công cộng, cơ quan do Trung tâm Điều hành Không gian Hỗn hợp của quân đội Hoa Kỳ và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ-Canada duy trì, cũng đã xác nhận rằng tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc đã được đưa vào không gian thành công.

Phương tiện vũ trụ chưa được biết đến đã được đưa vào quỹ đạo Trái đất thấp trên đỉnh tên lửa đẩy Trường Chinh 2F (Long March 2F) vào ngày 4 tháng 9 năm 2020. Vụ phóng là sứ mệnh thứ 14 của tên lửa Long March 2F và dường như là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị tại Tửu Tuyền.

Theo báo Drive của Mỹ, mục đích chính xác của nhiệm vụ vẫn chưa rõ ràng.

“Sau một thời gian hoạt động trên quỹ đạo, tàu vũ trụ sẽ quay trở lại địa điểm hạ cánh theo lịch trình ở Trung Quốc”, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã thông báo. “Tàu vũ trụ sẽ thử nghiệm các công nghệ có thể tái sử dụng trong chuyến bay của mình, cung cấp hỗ trợ công nghệ cho việc sử dụng không gian một cách hòa bình.”

img
Phi thuyền X-37B của Không quân Mỹ.

Đã có nhiều tin đồn rằng cuộc thử nghiệm trên của Trung Quốc có liên quan đến một loại máy bay vũ trụ mới. Đây là một phương tiện được thiết kế để sử dụng cánh và thân để tạo ra lực nâng để có khả năng bay, lướt như một chiếc máy bay thông thường bên trong bầu khí quyển của Trái đất và cơ động như một phi thuyền khi ở trong không gian.

Ngoài khả năng tái sử dụng, các ưu điểm chính khác của máy bay vũ trụ bao gồm giảm thời gian quay vòng giữa các lần phóng và khả năng được thiết kế để mang theo một loạt trọng tải lớn hơn, có thể quay trở lại Trái đất và thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác.

Khả năng tái sử dụng của chúng cuối cùng có thể làm giảm chi phí tiếp cận không gian, nhưng điều này thực sự chưa được chứng minh ở bất kỳ mức độ lớn nào.

Tại Mỹ, hiện đã có suy đoán cũng như cả những xác nhận nói rằng phương tiện vũ trụ mới của Trung Quốc là loại tương đương với Boeing X-37B của Hoa Kỳ hoặc phi thuyền không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.

img
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F.

Phi thuyền X-37B bí ẩn bắt đầu thực hiện sứ mệnh thứ sáu của Mỹ vào ngày 17 tháng 5 năm 2020, khi nó được phóng lên từ đỉnh tên lửa Atlas 5, từ Tổ hợp Phóng Không gian-41 tại căn cứ Không quân Cape Canaveral, bang Florida.

X-37B là máy bay cực kỳ bí mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, hoạt động giống như một tàu con thoi mini, phóng từ đỉnh một tên lửa đẩy thông thường. Chiếc tàu không gian này đã hoạt động trong nhiều năm với rất ít lời giải thích chính thức về sứ mệnh thực tế của nó.

Tuy nhiên, gần đây, người ta đã xác nhận rằng phi cơ X-37B đã tham gia vào các thí nghiệm sử dụng module Antenna tần số vô tuyến quang điện (PRAM), được lên kế hoạch để cuối cùng có thể thu năng lượng bằng cách sử dụng các tấm pin Mặt trời và gửi năng lượng đó trở lại Trái đất dưới dạng vi sóng.

Một phương tiện giống phi thuyền X-37B của Trung Quốc sẽ có tiềm năng mang trọng tải trinh sát và thậm chí thực hiện các nhiệm vụ tấn công trong không gian thay mặt cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) – báo Drive nhận định.

Chúng có thể bao gồm gây nhiễu hoặc làm mù các vệ tinh của đối phương, phóng đi các vệ tinh siêu nhỏ có thể được sử dụng để gây nhiễu hoặc làm hỏng các vệ tinh khác... Tất nhiên, một phi cơ vũ trụ của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng cho một loạt các thí nghiệm phi tấn công hoặc các nỗ lực giảm thiểu rủi ro khác.

img
Phần chóp chở tàu vũ trụ trên tên lửa đẩy Trường Chinh 2F.

Tuy nhiên, cho đến nay, không có chi tiết chính thức nào về tàu vũ trụ mới của Trung Quốc được tiết lộ và có báo cáo rằng lực lượng an ninh đã được bố trí xung quanh trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền trước khi phóng, có lẽ để ngăn chặn những hình ảnh bị rò rỉ không mong muốn trên mạng xã hội.

Theo Andrew Jones, một nhà báo theo dõi chương trình không gian của Trung Quốc, tháp phóng tại Tửu Tuyền đã trải qua những sửa đổi đáng kể trước lần phóng gần đây nhất. Điều này dẫn đến tin đồn rằng nhiệm vụ mới nhất liên quan đến trọng tải kích thước tăng nhiều hơn so với các chuyến hàng tên lửa Long March 2F thực hiện trước đó.

Trong các lần phóng trước đây, lần đầu tiên diễn ra vào năm 1999, Long March 2F đã được sử dụng cho cả sứ mệnh phi thuyền Thần Châu có người lái và không có người lái, đồng thời cũng đã vận chuyển hai phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung.

Tên lửa Long March 2F được cho là có khả năng mang trọng tải khoảng 18.5000 pound (hơn 8 tấn) đến quỹ đạo thấp của Trái đất - con số này lớn hơn trọng lượng phóng 11.000 pound (4.900 kg) của phi thuyền X-37B theo tuyên bố của Không quân Hoa Kỳ.

Cách đây khá lâu vào năm 2017, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng về việc phóng một chiếc phi cơ có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, một báo cáo từ Tân Hoa xã vào thời điểm đó dẫn lời nhà nghiên cứu Chen Hongbo của CASC cho biết tàu vũ trụ "sẽ bay lên bầu trời như một chiếc máy bay", cho thấy nó sẽ có khả năng cất cánh thông thường (phương ngang), thay vì cần sự hỗ trợ của tên lửa đẩy vũ trụ truyền thống.

Thông tin chi tiết ban đầu về chiếc phi cơ này do các phương tiện truyền thông Trung Quốc cung cấp đã chỉ ra rằng nó sẽ là một thiết kế đầy tham vọng có khả năng chuyên chở người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.