Quân sự

Mỹ nói S-400 có điểm yếu, tướng Nga đáp:"Mỹ chỉ có thể ngồi mà nghiến răng"

17/07/2019, 10:01

MilitaryWatch viết rằng sự quan tâm đến S-400 cũng được Iran, Iraq, Morocco, Việt Nam và Qatar thể hiện.

img
Tên lửa phòng không S-400 được quân đội Nga sử dụng.

Trung tâm tình báo tư nhân Stratfor của Mỹ gần đây có nhận định rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất hiện có trên thế giới, nhưng, theo họ, nó cũng có một điểm yếu.

Đánh giá của các chuyên gia Stratfor cho rằng, một cuộc tấn công ồ ạt có thể gây nguy hiểm cho hệ thống phòng không nếu khả năng phòng thủ của S-400 không được hỗ trợ, bọc lót bởi các phương tiện phòng không khác.

Báo cáo cũng lưu ý rằng phạm vi của hệ thống phòng không có thể đạt tới 400 km, tuy nhiên, điều kiện địa lý, như địa hình đồi núi, có thể làm giảm hiệu quả khả năng radar của loại vũ khí phòng không này.

img
S-400 cũng là hệ thống S-400 hiện đại nhất được Nga đưa vào biên chế.

Do đó, theo trung tâm Stratfor, ở các khu vực vùng núi, S-400 có thể bắn hạ một tên lửa hành trình bay thấp không ở khoảng cách hàng trăm km, mà chỉ ở khoảng cách hàng chục km.

Trung tâm tình báo kết luận rằng hiệu quả của việc sử dụng phòng không do Nga sản xuất phụ thuộc vào quốc gia sử dụng và kỹ năng của các đội tổ hợp.

về nhận định này của các chuyên gia Mỹ, một vị tướng Nga đã lên tiếng, nêu quan điểm của mình về bản báo cáo.

Theo báo Sputnik, anh hùng Nga Vladimir Mikhailov, người từng là tướng quân đội, thuộc giới lãnh đạo lực lượng Không quân cho rằng:

"Có thể viết bất cứ điều gì, nhưng sự thật là tên lửa S-400 Triumph của chúng ta có thể đẩy lùi các cuộc tấn công lớn của tất cả các phương tiện tấn công trên không hiện đại".

img
Một xe chở tên lửa S-400 có 4 ống phóng.

Tướng Vladimir Mikhailov nhấn mạnh rằng S-400 có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong mọi điều kiện và hoạt động ngay cả khi kẻ thù cố gắng tổ chức đàn áp điện tử.

Ông Mikhailov lưu ý rằng S-400 không cần là một vũ khí tổng hợp (ám chỉ khả năng tác chiến độc lập). Theo ông, nhiệm vụ của các tổ hợp là phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu chiến lược ở tầm xa.

Việc bảo vệ S-400 khỏi hệ thống tên lửa có cánh của đối phương là nhiệm vụ của các tổ hợp phòng không tầm gầm Pantsir S-1, loại vũ khí thuộc thành phần biên chế của mỗi trung đoàn S-400 Triumph.

"Người Mỹ chỉ còn nước ngồi mà nghiến răng", ông Mikhailov kết luận và nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua bốn trung đoàn S-400, điều này làm quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên xấu đi.

img
Tên lửa phòng không S-400 là mặt hàng quân sự đang được nhiều nước đặt hàng, quan tâm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia thứ ba (sau Belarusia và Trung Quốc) được Nga cung cấp tên lửa Triumph. Ấn Độ cũng sẽ sớm gia nhập danh sách cách nước sở hữu S-400 của Nga.

Về loại tên lửa mới nhất của Nga, theo các thông tin công khai được báo chí Nga đăng tải, hiện nay, 7 quốc gia đã triển khai công nghệ S-400 và giống để bảo vệ lợi ích của họ, thêm bảy nước khác có khả năng mua lại hệ thống này trong tương lai gần.

Cổng thông tin MilitaryWatch liệt kê danh sách những khách hàng tiềm năng của các hệ thống tên lửa phòng không Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia thứ năm triển khai công nghệ S-400. Ngoài Nga còn có Trung Quốc, Belarus và Algeria. Hàn Quốc và Ai Cập sử dụng phát triển của Nga trong các hệ thống khác.

Hàn Quốc tạo ra hệ thống tên lửa phòng không KM-SAM dựa trên công nghệ được mua ở Nga. Ai Cập mua lại hệ thống phòng không S-300VM Antey-2500, một hệ thống vũ khí phòng không được cho là còn tân tiến và phức tạp hơn so với S-400, chuyên chống lại tên lửa hành trình do có tính cơ động cao hơn.

img

Tháng 10/2018, Ấn Độ đã ký hợp đồng cung cấp 5 trung đoàn S-400 với tổng giá trị giao dịch hơn 5 tỷ USD. Các cuộc đàm phán về việc xuất khẩu s-400 được tiến hành với Arab Saudi.

Trong khi đó, MilitaryWatch viết rằng sự quan tâm đến S-400 cũng được Iran, Iraq, Morocco, Việt Nam và Qatar thể hiện.

“Dự kiến là ở Triều Tiên sẽ đưa vào ứng dụng một số công nghệ S-400 trong hệ thống tên lửa phòng không KN-06, mà theo một số nguồn tin phương Tây, loại vũ khí này được phát triển với sự hỗ trợ của Nga", - báo cáo của MilitaryWatch cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.