Thế giới

Mỹ phản ứng gì sau đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiên?

11/01/2018, 07:17

Washington hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 9/1 vừa qua...

28

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong buổi họp báo ngày 10/1

Washington hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 9/1 vừa qua, dù Bình Nhưỡng từ chối đề xuất của Seoul trong việc bàn luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên...

Vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ nhằm vào Mỹ

Theo Reuters, tại đối thoại Bàn Môn Điếm, ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Uỷ ban Tái thống nhất Hoà bình kiêm Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên đã nêu lý do vì sao hai miền không cần và không nên bàn về vấn đề vũ khí hạt nhân trong quá trình đối thoại.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên cho biết, “tất cả các loại vũ khí của chúng tôi, gồm bom hạt nhân, bom hydro và các loại tên lửa đạn đạo chỉ nhằm để ứng phó với Mỹ, không phải với những người anh em của chúng tôi (ý chỉ Hàn Quốc), cũng như không phải với Trung Quốc hay Nga”. Triều Tiên đã lên tiếng phản đối dứt khoát với đề nghị phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc nêu ra trong tuyên bố chung ngày 9/1.

Phản hồi những quan điểm từ phía Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi phát biểu trong họp báo ngày 10/1 khẳng định lại rằng: “Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được hai miền nhất trí (trong quá khứ) là lập trường cơ bản sẽ không bao giờ bị từ bỏ”.

Hãng tin AFP của Pháp cũng dẫn lời của lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là “con đường dẫn đến hoà bình và là mục tiêu của chúng ta”.

Sau sự kiện hôm 9/1, Tổng thống Moon đã kêu gọi cần thiết phải giải quyết hòa bình các vấn đề với Triều Tiên và hứa sẽ từng bước đem đến cuộc sống hòa bình, ổn định, không lo lắng về chiến tranh cho người dân hai miền. Ông Moon tuyên bố sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong điều kiện phù hợp.

Trong buổi họp báo này, Tổng thống Moon đã không quên tán dương công lao của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thúc đẩy cuộc đàm phán liên Triều vừa qua và cho rằng đây kết quả của các lệnh trừng phạt và áp lực của Hoa Kỳ.

Reuters dẫn lời ông Evans Revere, nhà cựu ngoại giao cấp cao của khu vực Đông Á cho biết, bằng cách lôi kéo Seoul, Bình Nhưỡng rõ ràng đang tìm cách làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Nhưng, theo ông, điều quan trọng là Seoul đã nêu vấn đề hạt nhân trong cuộc đối thoại ở Bàn Môn Điếm để cho thấy nó không chỉ là vấn đề của riêng Mỹ và Triều Tiên.

Phản ứng của Washington

Theo Reuters, nói về cuộc đối thoại tại Bàn Môn Điếm ngày 9/1, ông Steve Goldstein, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: “Rõ ràng đây là một sự phát triển tích cực”, và cho đây là “bước đi đầu tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố rằng, Washington mong muốn tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán phải nhằm vào phi hạt nhân hóa. Trước đó, trong một tuyên bố của mình, ông Trump đã để ngỏ khả năng sẽ nói chuyện với lãnh đạo Triều Tiên, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dường như không thể sớm xảy ra, bởi những quan điểm khó có thể thay đổi ở cả hai bên.

Tuy Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về việc Hoa Kỳ là mục tiêu tiềm năng duy nhất của vũ khí hạt nhân Triều Tiên, nhưng, trong một diễn biến liên quan cũng trong ngày 9/1 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng Chính phủ đã chấp thuận việc bán vũ khí chống tên lửa đạn đạo cho Nhật Bản để Tokyo có thể tự bảo vệ mình.

Thỏa thuận trị giá 133 triệu USD này bao gồm 4 tên lửa và các thiết bị phụ trợ. Những vũ khí Mỹ bán cho Nhật có thể được phóng đi từ tàu khu trục trên biển hoặc từ một hệ thống khác bố trí trên mặt đất.

Theo Reuters, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông qua việc bán tên lửa chống đạn đạo cho Nhật Bản như là một nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ cho các đồng minh để đối phó với những hành động khiêu khích tiềm năng của Triều Tiên trong tương lai.

Động thái này của Mỹ khiến các chuyên gia quan ngại về khả năng căng thẳng mới sắp diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.