Công nghệ

Mỹ sắp đóng tàu tuần tra Defiant 75 cho Việt Nam?

09/06/2015, 18:02
image

Công ty Metal Shark, bang Louisiana có thể sẽ nhận hợp đồng đóng tàu tuần tra thế hệ mới cho Việt Nam.

1.1
Tàu tuần tra cao tốc kiêm chữa cháy lớp Defiant 75 của Metal Shark

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cuối tháng 5 vừa qua đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 18 triệu USD mua các tàu tuần tra Metal Shark Defiant 75 Class, có tốc độ 40 hải lý/giờ (74 km/h), giúp tăng cường khả năng tuần tra trên biển.

Greg Lambrecht, Phó Giám đốc Metal Shark, tuần trước cho biết công ty hy vọng có thể bắt đầu đóng các tàu vào tháng 7, trang The Advocate hôm qua đưa tin.

Tuy nhiên, người này không tiết lộ giá trị hợp đồng cũng như số lượng tàu Defiant 75 sẽ đóng cho Việt Nam.

Một bản tin của Reuters cho rằng trị giá của hợp đồng trên cũng là 18 triệu USD. Theo Lambrecht, cơ sở Metal Shark ở thành phố Franklin, bang Louisiana, sẽ tiếp nhận đơn hàng, vẫn đang trong giai đoạn ký hợp đồng, đóng tàu cho Việt Nam.

Tuyên bố của Bộ trưởng Carter được đưa ra sau khi ông tham quan một tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va trên Biển Đông hồi giữa năm ngoái, khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

1.2
Tàu tuần tra cao tốc lớp Defiant 75 của Metal Shark hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tốc độ tối đa 74 km/giờ.

Metal Shark hiện sản xuất từ 150 đến 200 tàu mỗi năm và là công ty chuyên đóng tàu tuần tra nhỏ cho tuần duyên Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm của Metal Shark còn phục vụ trong hải quân, bộ binh, không quân, Sở Động vật hoang dã và Nghề cá Louisiana cùng nhiều đồn cảnh sát ở bang này.

Metal Shark đóng tàu tuần tra theo đơn hàng từ chính phủ nước ngoài và gửi các nhóm huấn luyện tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tàu tuần tra cao tốc Metal Shark lớp Defiant 75 dài 22.86m, ngang 6.4m, nhiên liệu mang theo 11.356 lít dầu diesel. Tàu trang bị 2 động cơ diesel với hệ thống truyền động chân vịt và 1 động cơ phản lực nước, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 74 km/giờ. Trên tàu trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, tiện nghi đi kèm còn có tủ lạnh, bếp… Dưới boong tàu có chỗ ngủ cho từ 2 - 8 người. Tàu dùng để thực thi pháp luật trên biển, tuần tra, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Tất cả các biến thể của lớp tàu tuần tra Defiant do Metal Shark thiết kế đều làm bằng hợp kim nhôm, tích hợp hàng loạt trang bị hiện đại như radar băng X, hệ thống lái tự động, hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống nhận diện tự động, la bàn từ tính và la bàn hồi chuyển, trang bị liên lạc... Trong ảnh, phòng mô phỏng không gian cabin lái tàu trên mặt đất.

Charles Boustany, một chính khách thuộc đảng Cộng Hòa bang Louisiana, cho biết: “Từ khi Biển Đông trở thành khu vực tranh chấp, Louisiana càng đóng vai trò thể hiện lợi ích nước Mỹ và có ích cho nhu cầu an ninh của những người bạn chúng ta”.

Ông Boustany cho biết Mỹ không đứng ngoài cuộc với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines trong nỗ lực chặn đứng những động thái đáng quan ngại từ Trung Quốc.

Theo Thiếu tá Lý V. Thắng, Lục quân Mỹ, Trưởng Văn phòng Hợp tác quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hồi tháng 3/2015 rằng "khi hợp đồng đóng tàu được hoàn tất, trong vòng 18 tháng Mỹ có thể chuyển tàu cho Việt Nam và việc này rất có thể diễn ra trong năm 2016."

Theo ông Lý, trong hai thập kỷ qua, từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ đã thành công trong thiết lập mối hợp tác an ninh và quốc phòng trên nhiều khía cạnh khác nhau, dựa trên các cam kết chung về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và cách tiếp cận chung trong giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực.

1.3
Cảnh sát biển Việt Nam được huấn luyện điều khiển tàu cao tốc tại Mỹ

Hai nước cũng xác định 5 lĩnh vực hợp tác nhằm thắt chặt thêm mối hợp tác an ninh, đó là thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ thảm họa.

Bộ Quốc phòng hai nước cũng thống nhất khuôn khổ làm việc để xây dựng nên Biên bản Ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương (MOU) ký năm 2011.

Hiện tại, Mỹ cũng đã bắt đầu hoạt động trao đổi chuyên môn vận hành xuồng nhỏ giữa hải quân Mỹ và cảnh sát biển Việt Nam. Trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, Không quân Mỹ vùng Thái Bình Dương sẽ phối hợp với Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam sẽ trao đổi chuyên môn về tìm kiếm cứu nạn trong các trường hợp máy bay rơi, theo Đất Việt.

Video tổng quan hãng đóng tàu Metal Shark:

 Nguồn video: Metal Shark Boats

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.