Theo hãng tin Reuters, thông tin trên được giới chức Mỹ và Đức công bố trong tuyên bố chung ngày 10/7, nêu rõ việc triển khai có giai đoạn của Mỹ là nhằm chuẩn bị cho việc đồn trú lâu dài của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình SM-6 và Tomahawk cũng như phát triển các vũ khí siêu thanh có tầm bắn xa hơn những loại hiện có tại châu Âu.
Trước đó, những loại tên lửa mặt đất có tầm bắn lớn hơn 500km từng bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung mà nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký kết với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987 đánh dấu lần đầu tiên hai siêu cường nhất trí cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược hướng tới loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.
Các quốc gia khác tại châu Âu như Đức, Hungary, Ba Lan và Séc cũng đã tiến hành phá hủy những quả tên lửa của họ trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau đó, Slovakia và Bulgaria đồng thời tiến hành những hành động tương tự.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút lui khỏi Hiệp ước sau khi tố cáo Nga vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước khi triển khai tên lửa hành trình 9M729 (NATO gọi là SSC-8).
Điện Kremlin khi đó đã liên tục bác bỏ cáo buộc của ông Trump.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow nên nối lại việc sản xuất những loại tên lửa tầm trung và tầm gần có thể mang đầu đạn hạt nhân sau khi Mỹ triển khai những loại tên lửa này ở châu Âu và châu Á.
Tổng thống Putin từng cáo buộc Nga đã cam kết không triển khai những loại tên lửa nói trên nhưng chính Mỹ lại là bên nối lại hoạt động sản xuất, đưa các loại tên lửa này tham gia các cuộc tập trận ở Đan Mạch đồng thời chuyển những loại tên lửa này sang Philiippines.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận