Thế giới giao thông

Mỹ: Tàu Amtrak trật ray do lái tàu mất tập trung?

21/12/2017, 11:21

Vụ tai nạn đường sắt tại Washington (Mỹ) vừa qua khiến ba người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

33

Hiện trường vụ tai nạn tàu Amtrak

Vụ tai nạn đường sắt tại Washington (Mỹ) vừa qua khiến ba người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương là cú sốc với người dân địa phương vì xảy ra ngay trong hành trình chở khách đầu tiên trên tuyến mới mở từ Seattle đến Portland. Hiện nay, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào cuộc điều tra làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn.

Xao nhãng nên không kịp giảm tốc?

Theo thông tin điều tra ban đầu, dữ liệu từ hộp đen trên tàu chỉ ra, tàu Amtrak mang số hiệu 501 đã chạy với tốc độ gần 130km/h khi đi vào khúc cua bị hạn chế tốc độ khoảng 50km/h. Từ đây, có thể nhận định sơ bộ rằng, nguyên nhân trực tiếp khiến tàu trật đường ray là do vượt quá tốc độ nhưng cần làm rõ gốc rễ dẫn đến sự cố.

Báo New York Times cho biết, các điều tra viên đang tập trung vào nghi vấn kỹ thuật viên điều khiển tàu bị mất tập trung do ảnh hưởng bởi điện thoại, một người khác trong khoang hoặc một vấn đề gì khác khiến người này không kịp giảm tốc khi đi qua khu vực hạn chế tốc độ.

Toàn bộ camera ở bên trong khoang lái tàu (một chiếc hướng về phía trước, một chiếc hướng vào bên trong và một chiếc hướng về phía người lái tàu) đều được đưa tới Phòng nghiên cứu của Ban ATGT tại Washington. Các điều tra viên sẽ trích xuất những hình ảnh về sự việc xảy ra trong những khoảnh khắc trước khi tàu lao xuống đường cao tốc phía bên dưới.

Một quan chức đến từ Ban ATGT Quốc gia Bella Dinh-Zarr, người phụ trách giám sát cuộc điều tra nhấn mạnh: “Mất tập trung là một trong những nghi vấn hàng đầu khi điều tra tai nạn. Thủ tục điều tra của chúng tôi là phải xem xét, điều tra toàn bộ lịch sử điện thoại của nhân viên trong khoảng thời gian xảy ra sự việc”.

Cũng theo bà Bella Dinh-Zarr, có một người thứ hai ở trong khoang điều hành vào khoảng thời gian xảy ra tai nạn. Đó là lái tàu đang học việc, làm quen địa hình. Dù đó là việc thực hành bình thường nhưng các chuyên gia an toàn đường sắt cho rằng, người này có thể gây ra xao nhãng cho kỹ thuật viên.

Một số nguyên nhân khác có thể gây mất tập trung cho người điều khiển và nhân viên tàu là rượu và các chất kích thích khác. Theo thủ tục thông thường, sau những vụ tai nạn như vậy, đội điều tra sẽ phải thử nồng độ cồn và kiểm tra ma túy của toàn bộ đội tiếp viên tàu.

Ngoài ra, New York Times dẫn lời bà Bella Dinh-Zarr, cho biết thêm, đội nhân viên tàu đã không kích hoạt hệ thống phanh khẩn cấp trước khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, thủ tục thẩm tra nhân viên tàu bị chậm trễ do toàn bộ thành viên đều đang nằm viện; Phần lớn bằng chứng liên quan tới vụ việc vẫn chưa được phân tích xong.

Đáng lẽ đã tránh được bi kịch?

Bà Dinh-Zarr chỉ ra một yếu tố khác mà nhân viên điều tra đang xét tới, đó là địa hình xảy ra vụ việc. Vì đây là hành trình đầu tiên trên tuyến đường mới nên địa hình vẫn khá lạ so với người điều khiển dù đã thực hiện chạy thử ít nhất hai tuần trước đó.

Tuyến đường bao gồm một đoạn mà các tàu đi về hướng Nam sẽ phải chạy thẳng từ trên dốc xuống và gặp ngay khúc cua đường ray trên cầu vượt qua đường cao tốc liên bang số 5.

Bà Dinh-Zarr nhận định: “Dù đội tàu (kể cả kỹ thuật viên điều khiển) đã thực hiện nhiều chuyến đi không lợi nhuận để thử nghiệm và nắm bắt địa hình khu vực trong ít nhất hai tuần trước khi xảy ra tai nạn nhưng chưa chắc ngần ấy thời gian thực hành đã đủ để có thể bắt đầu chở khách. Theo ông, người điều khiển có lẽ chưa hoàn toàn quen thuộc với tuyến đường hoặc đã phán đoán sai thời điểm cần phải giảm tốc để vào cua.

Hiện nay, Mỹ chưa có tiêu chuẩn quốc gia về số lần chạy thử trước khi bắt đầu chở khách nhưng thông thường với những tuyến đường mới, đội tàu sẽ phải chạy thử nhiều lần dưới nhiều loại điều kiện thời tiết và hoàn cảnh khác nhau, ông Russell Quimby, cựu điều tra viên Ban An toàn đường sắt cho biết.

Việc xây dựng đường tàu đi qua TP Lakewood vốn đã được Thị trưởng TP Lakewood Don Anderson cảnh báo có thể gây mất an toàn từ lâu. “Đáng lẽ, bi kịch này hoàn toàn có thể tránh được nếu giới chức đưa ra lựa chọn tốt hơn”, ông Anderson nói ngay trong đêm xảy ra vụ việc.

“Chúng tôi đã quan ngại về an toàn của tuyến đường sắt cao tốc đi xuyên một khu vực đô thị từ nhiều năm nay”, Thị trưởng nói. Cụ thể, từ năm 2013, ông Lakewood đã kiện Sở Giao thông Washington vì chưa đánh giá kỹ về tác động môi trường mà đã cho thực hiện dự án đường sắt chở khách này nhưng vụ kiện bị bác bỏ vào năm 2014.

Trong một cuộc họp hồi đầu tháng, ông Anderson một lần nữa cảnh báo khả năng xảy ra tai nạn tàu chỉ là vấn đề thời gian và yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.