Hồ sơ tài liệu

Mỹ - Trung đạt đồng thuận về vấn đề Triều Tiên?

21/09/2016, 05:44

Mỹ và Trung Quốc được cho là đã đạt đồng thuận về vấn đề Triều Tiên, theo Reuters ngày 20/9.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vui vẻ bắt tay Thủ tướn
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 12/2014

Bên lề tuần thảo luận cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay ở New York, Mỹ và Trung Quốc được cho là đã đạt đồng thuận về vấn đề Triều Tiên, theo Reuters ngày 20/9. Thế nhưng, giới quan sát vẫn nghi ngờ về cái gọi là “tiếng nói chung” mà các cường quốc đạt được đối với Bình Nhưỡng, khi mà tham vọng hạt nhân vẫn sục sôi ở quốc gia này.

Tiếng nói chung

Hôm qua, Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhất trí tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một nghị quyết trừng phạt mới mà Liên hợp quốc có thể đưa ra sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm, được cho là lớn nhất từ trước tới nay của chính quyền Kim Jong-un.

“Cả hai nhà lãnh đạo lên án gay gắt vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 9/9 vừa qua của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường phối hợp trong mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc tiếp thêm sức mạnh cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các kênh pháp luật nhằm thực thi công lý đối với Triều Tiên”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

Liên quan đến trừng phạt Triều Tiên, theo Yonhap ngày 20/9, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Cheong Wa Dae cho biết, Tổng thống Park Geun-hye chủ trì một cuộc họp đặc biệt có sự tham gia của 80 quan chức cao cấp nhằm tập trung bàn thảo về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 18/9 đã tới New York, chuẩn bị tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tại đây, dự kiến ông Abe sẽ kêu gọi các hành động mạnh mẽ chống lại tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cho biết Nhật Bản cũng sẽ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đơn phương “mạnh tay” hơn, theo Japan Times ngày 19/9.

Quan điểm riêng

Không còn nghi ngờ việc Bắc Kinh đã thể hiện rõ thái độ “không hài lòng” vì Bình Nhưỡng hết lần này tới lần khác vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đồng thời tỏ ra ủng hộ Washington và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong vấn đề trừng phạt. Nhưng mặt khác, Trung Quốc cho rằng, “các biện pháp trừng phạt không phải là câu trả lời cuối cùng và có thể đưa các bên trở lại bàn đàm phán về vấn đề Triều Tiên”, Reuters nhận định.

Điều này không khó hiểu bởi Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại lớn nhất, đồng minh thân cận và gần như duy nhất của Triều Tiên. Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không ngần ngại bày tỏ với người đồng cấp Nhật Bản, ông Fumio Kishida rằng: “Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Bình Nhưỡng và gọi đây là những hành động vô ích”.

Chưa kể, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đang thu thập các tài liệu pháp lý để khởi tố công ty Trung Quốc bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, theo thời báo Wall Street Journal. Công ty này có trụ sở ở Liêu Ninh, Trung Quốc.

Trong khi đó, hôm qua, hãng tin Reuters cho biết, Triều Tiên vừa mới thử thành công động cơ tên lửa đẩy mới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân đến Trung tâm Không gian Sohae để chỉ đạo cuộc thử động cơ tên lửa có công suất lớn dành cho vệ tinh địa tĩnh này.

Hãng thông tấn KCNA ca ngợi “động cơ tên lửa đẩy mới đem lại khả năng vận chuyển hiệu quả cho các vụ phóng vệ tinh khác nhau, bao gồm vệ tinh quan sát Trái đất đạt đẳng cấp thế giới”. Ông Kim Jong-un thậm chí còn yêu cầu các nhà khoa học và kỹ sư chuẩn bị phóng vệ tinh “càng sớm càng tốt sau vụ thử thành công”.

AFP dẫn lời Joel Wit - người sáng lập ra trang 38 North (chuyên theo dõi, bình luận tình hình Triều Tiên) thì cho rằng: Cuộc thử nghiệm động cơ mới là dấu hiệu cho thấy, không lâu nữa, Triều Tiên sẽ phóng một phương tiện ưu việt hơn nhằm đưa các vệ tinh lên quỹ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.