Thế giới giao thông

Mỹ, Trung Quốc đồng loạt khoe vũ khí “khủng” để tuần tra Biển Đông

19/07/2015, 14:45

Mỹ hạ thuỷ tàu tác chiến ven bờ, Trung Quốc chế tạo thủy phi cơ “lớn nhất thế giới” để tuần tra Biển Đông...

tau_chien_2
Tàu USS Little Rock được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Marine Corporation 

Mỹ hạ thuỷ tàu tác chiến ven bờ có khả năng tuần tra ở Biển Đông

Ngày 18/7, tàu tác chiến ven bờ mới của Hải quân Mỹ USS Little Rock được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Marine Corporation, ở thành phố Marinette, Wisconsin.

Theo tin tức trên VTC News, tàu USS Little Rock được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các sứ mệnh của Hải quân Mỹ ở vùng nước nông xung quanh vành đai Thái Bình Dương, khu vực Hải quân Mỹ đang tăng cường hiện diện để giám sát Trung Quốc, trong khi nước này đang tăng cường lực lượng hải quân và gây căng thẳng trên Biển Đông.

Thư ký Hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết việc hạ thủy tàu USS Little Rock thể hiện cam kết xây dựng một hạm đội với 304 tàu chiến đến cuối thập kỷ này, đủ để duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở tất cả các vùng nước trên thế giới nhằm “trấn an đồng minh, và đe doạ kẻ thù tiềm ẩn”.

Tàu LCS được thiết kế để tác chiến ở vùng ven bờ, đánh bại các mối đe dọa như thủy lôi, tàu ngầm diesel và tàu mặt nước tốc độ cao, theo CNN.

Trung Quốc chế tạo thủy phi cơ “lớn nhất thế giới” để tuần tra Biển Đông

thuyphico_lcuu
Xưởng lắp ráp thủy phi cơ Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình Asia One)

Theo tin tức trên Thanh niên, Trung Quốc đang tiến hành sản xuất thủy phi cơ được cho là lớn nhất thế giới và sẽ dùng để tuần tra ở Biển Đông, tờ Times of India cho hay hôm 18/7.

Thủy phi cơ AG-600 do Trung Quốc chế tạo có 4 động cơ phản lực cánh quạt, nặng 53,5 tấn và có tầm bay xa đến 4.500 km. Trung Quốc cho rằng đây sẽ thủy phi cơ lớn nhất thế giới, vượt qua cả thuỷ phi cơ ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga.

Tờ China Daily cho biết Trung Quốc khởi động dự án này từ năm 2009 nhưng mới bắt đầu lắp ráp chiếc máy bay có thể cất và hạ cánh trên mặt nước này từ hôm 17/7.

Trong khi đó, theo báo chí Nga, việc lắp ráp chiếc thủy phi cơ này đã hoàn tất và Trung Quốc sẽ sớm đưa vào sử dụng để tuần tra ở Biển Đông.

Tokyo có thể sẽ đưa tàu ngầm tuần tra Biển Đông

Hãng tin Reuters ngày 17/7/2015 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông, do đó trong tương lai Nhật Bản có thể tiến hành các hoạt động tuần tra và giám sát tại vùng biển này, RFI đưa tin.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Đô đốc Kawano cho biết có đề cập đến việc tuần tra Biển Đông, kể cả các hoạt động chống tàu ngầm. Nhưng theo quan điểm của Nhật, đây chỉ là một khả năng trong tương lai, tùy theo diễn biến thực tế.

Nga quan ngại tình hình giao tranh leo thang ở Đông Ukraine

20150719_UKRAINE_CILVILWAR
Binh sỹ Ukraine trong một cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở miền Đông (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, Điện Kremli thông báo ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Ukraine, Mỹ và Đức trong bối cảnh tình hình giao tranh đang leo thang ở miền Đông Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Lavrov đã kêu gọi quân đội Ukraine "bắt đầu phi quân sự hóa" điểm nóng xung đột tại làng Shyrokine.

Theo Ngoại trưởng Nga, lực lượng ly khai đã rút khỏi khu vực chiến lược cách cảng Mariupol 10km. Mariupol là thị trấn lớn cuối cùng trong khu vực vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.

Ông Lavrov cũng kêu gọi người đồng cấp Ukraine "giải quyết những khúc mắc liên quan đến dự án cải cách hiến pháp," vốn nhằm mục đích trao thêm quyền tự trị cho các khu vực ly khai.

Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh đến sự bất bình của Moskva khi Kiev không bao hàm các đại diện của lực lượng nổi dậy vào quá trình thảo luận về cải cách hiến pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.