Thời sự Quốc tế

Mỹ, Trung Quốc thi nhau đưa chiến cơ, tàu sân bay hiện diện trên Biển Đông

26/02/2021, 07:28

Căng thẳng trên Biển Đông leo thang khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đưa máy bay, tàu sân bay... tới khu vực này.

img

Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc trong một cuộc huấn luyện năm 2020

Trung Quốc tập trận răn đe Mỹ

Ngày 24/2, tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nhiều chuyên gia bình luận về việc Trung Quốc điều 10 máy bay ném bom tới Biển Đông, thực hiện nhiệm vụ diễn tập hàng hải sau khi Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Theo truyền thông Trung Quốc, 10 chiếc oanh tạc cơ đời mới H-6J và mẫu cũ hơn H-6G thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam đã tham gia diễn tập trên Biển Đông ngay sau khi nghỉ Tết âm lịch.

Cuộc diễn tập bao gồm những bài tập tấn công đường dài, tăng cường phối hợp giữa các phương tiện mới và cũ với những chiến thuật đối đầu trên không, nâng cao khả năng thực chiến – theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV).

Tờ SCMP dẫn lời ông Yue Gang, một cựu sỹ quan mamg quân hàm đại tá đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận định: Cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc có khả năng chống trả và luôn theo dõi sát những gì Mỹ đang làm, một lần nữa khẳng định mọi chuyện trên Biển Đông vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo ông này, ngoài oanh tạc cơ, "PLA còn có thể triển khai các nguồn lực khác, gồm lực lượng tên lửa, để tăng cường khả năng răn đe chống lại Mỹ, nếu cần thiết".

Ông Song Zhongping, cựu quân nhân thuộc PLA, hiện là nhà bình luận về vấn đề quân sự, làm việc tại Hong Kong cho rằng, cuộc tập trận với 10 oanh tạc cơ của Trung Quốc là nhắm tới Biển Đông và Đài Loan.

“Nếu xảy ra xung đột tại Đài Loan, Biển Đông chắc chắc sẽ liên quan. Lực lượng hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam sẽ được triển khai giải quyết vấn đề Đài Loan”, ông Song nói.

Nhà bình luận Hong Kong nhấn mạnh thêm, từ cuộc tập trận, có thể thấy, Trung Quốc đang muốn tăng cường khả năng phối hợp giữa máy bay ném bom thế hệ mới và cũ nhằm tăng cường năng lực chiến đấu.

“Hoạt động huấn luyện không chỉ tập trung vào oanh tạc cơ mới mà còn nhằm cải thiện năng lực của những mẫu máy bay cũ. Cả hai loại có thể hình thành một lực lượng phối hợp. Hiện tại, Trung Quốc chưa thể chỉ dựa vào chiến cơ mới khi xảy ra xung đột vì số lượng phương tiện mới còn quá ít”.

Sau tuyên bố của Trung Quốc, Mỹ lại điều tàu khu trục qua Đài Loan

img

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ

Về phía Mỹ, dù chỉ mới nhậm chức hơn 2 tháng nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tiếp điều tàu sân bay, tàu khu trục... tới Biển Đông.

Mỹ luôn thể hiện thái độ phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa tàu Mỹ xuất hiện trong khu vực này đó là vào đầu tháng 2, trong đó, chiến hạm John S. McCain của Mỹ đã di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện do Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Ngày 17/2, Hải quân Mỹ tiếp tục điều khu trục hạm USS Russell tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tiếp đó, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là Theodore Roosevelt và Nimitz tham gia diễn tập ở Biển Đông.

Gần đây nhất, ngay sau khi Trung Quốc công bố thông tin về cuộc tập trận với 10 oanh tạc cơ, Mỹ tiếp tục đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan.

Thông cáo từ Hạm đội 7 cho biết: "Chuyến quá cảnh của tàu này qua eo biển Đài Loan chứng minh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" - Hạm đội 7 nhấn mạnh.

Phản ứng sau động thái gần đây nhất của Mỹ, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của Trung Quốc, ông Zhang Chunhui khẳng định, hải quân và không quân Trung Quốc đã được triển khai để theo dõi, giám sát tàu khu trục Mỹ.

Ông Zhang cáo buộc Washington cố tình đẩy rủi ro ở Eo biển Đài Loan lên cao, gây tổn hại tới hoà bình, ổn định trong khu vực.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông cho thấy chính quyền ông Joe Biden sẽ không thu hẹp quy mô hoạt động tuần tra tự do hàng hải được tăng cường dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump, nhằm thách thức yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.