Thời sự Quốc tế

Mỹ - Trung ra sức chuẩn bị kịch bản thương chiến tiếp theo

03/03/2021, 06:35

Sau những hành động, tuyên bố của chính quyền ông Joe Biden, Bắc Kinh dần nhận ra mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung sẽ không thay đổi.

img

Trung Quốc và Mỹ trong cuộc chiến công nghệ

Trung Quốc từng kỳ vọng chính quyền Mỹ dưới thời tân Tổng thống Joe Biden sẽ “hạ nhiệt” cuộc chiến thương mại khốc liệt với Bắc Kinh do người tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng. Nhưng hơn 1 tháng qua, sau những hành động, tuyên bố của chính quyền ông Joe Biden, Bắc Kinh dần nhận ra mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung sẽ không thay đổi. Cả hai đã rục rịch chuẩn bị đối sách sẵn sàng dấn sâu vào thương chiến.

Mỹ dốc toàn lực cạnh tranh thương mại với Trung Quốc

Ngày 2/3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố báo cáo mang tên Chương trình Nghị sự Thương mại 2021, động thái mới nhất thể hiện quan điểm của chính quyền ông Joe Biden trong cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.

“Những hành vi thương mại cưỡng bức và không công bằng của Trung Quốc đã làm suy yếu lợi ích quốc gia Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ sử dụng tất cả công cụ hiện có để xử lý hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”, báo cáo chỉ rõ.

Trước đó, bà Katherine Tai, ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ từng khẳng định trước Quốc hội rằng, sẽ chống lại các rào cản thương mại của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, báo cáo của USTR và phát biểu của bà Tai là những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính sách thương mại của chính quyền ông Biden sẽ không khác mấy so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong đó, khoa học và công nghệ tiếp tục là một trong những trụ cột chiến lược quan trọng nhất trong cạnh tranh thương mại giữa Mỹ - Trung. Dấu hiệu rõ nhất, đó là chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch thi hành các lệnh cấm giao dịch công nghệ với Trung Quốc do chính quyền trước công bố.

Đồng thời, ông Biden còn thúc đẩy thành lập liên minh công nghệ với các nước đồng minh để chống lại Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cốt lõi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... theo Wall Street Journal. Hơn nữa, lần đầu tiên ông Biden đã nâng vị trí Cố vấn khoa học lên cấp vị trí Nội các.

Do đó, trong ngắn hạn, mức độ cạnh tranh về công nghệ giữa hai cường quốc thế giới được nhận định vẫn rất gắt gao.

Trung Quốc cải thiện điểm yếu công nghệ, tự đặt mục tiêu tham vọng

Đoán định điều này, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các biện pháp đối phó. Cũng từ đầu tháng 3, tờ Global Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing cho biết, Bộ này đã bắt đầu thực hiện đánh giá toàn diện 41 ngành và vạch ra các chuỗi công nghiệp quan trọng để tìm những lỗ hổng, điểm yếu của Bắc Kinh.

Qua việc củng cố các chuỗi cung ứng này, Bắc Kinh sẽ khỏa lấp những thiếu sót và cải thiện điểm yếu trong ngành công nghệ, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị phá vỡ trong những thời điểm quan trọng.

Đây là một trong những nỗ lực tổng thể nhằm tăng cường khả năng độc lập về công nghệ của Trung Quốc và được công bố ngay trước những kỳ họp quan trọng thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) - cơ quan lập pháp hàng đầu và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) - cơ quan cố vấn chính trị cấp cao, chuẩn bị diễn ra trong tuần này tại Bắc Kinh.

Theo ông Xiao, Trung Quốc sẽ dồn sức tập trung vào một số lĩnh vực như: Vi mạch tích hợp, phần mềm cốt lõi, nguyên vật liệu thiết yếu mới và thiết bị quan trọng để giải quyết những “nút thắt” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Những vấn đề trên dự kiến sẽ được đặt lên đầu trong chương trình nghị sự tại các kỳ họp của NPC và CPPCC, khai mạc vào ngày mai (4/3). Tại đây, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ xác định mục tiêu phát triển về KT-XH cho năm 2021, lên kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu dài hạn tới năm 2035.

Trước các sự kiện này, đã có rất nhiều đề xuất và kiến nghị lên NPC và CPPCC, tập trung vào phát triển công nghệ trong một số lĩnh vực chủ chốt. Điển hình, ông Zhu Ronghua, một đại biểu NPC, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Chang’an, đã đề xuất tăng cường chính sách phát triển chip ô tô trong nước.

Hiện tại, Trung Quốc đang phải nhập khẩu khoảng 90% số chip đang được sử dụng tại nước này, trị giá 300 tỉ USD nhưng Bắc Kinh đặt mục tiêu vô cùng tham vọng đó là sẽ đảo ngược tình thế, tự sản xuất chip cho 70% thị phần nội địa tính đến năm 2025. “Đây là mục tiêu vô cùng tham vọng, đòi hỏi đầu tư lớn trong rất nhiều mặt”, ông Xiang Ligang, Tổng giám đốc Công ty Information Consumption Alliance cho biết.

Hiện tại đầu tư của Bắc Kinh vào phát triển chip đã tăng mạnh từ 30 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4,32 tỷ USD) trong năm 2019 lên 140 tỉ nhân dân tệ (20,8 tỷ USD) trong năm 2020. Ông Xiang khẳng định, Trung Quốc sẽ giữ nguyên mức đầu tư này thậm chí có thể tăng trong tương lai.

“Có một số lĩnh vực chúng ta không thể tìm phương án thay thế nếu Mỹ quyết định cắt nguồn cung. Đó là những công nghệ quan trọng nhất mà Trung Quốc buộc phải nắm bắt”, ông Fang Xingdong, nhà sáng lập ChinaLabs, tổ chức cố vấn về công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định và đánh giá khả năng Mỹ - Trung cắt đứt quan hệ là không thể nhưng Trung Quốc cần phải trang bị đủ khả năng để Mỹ không thể giáng những đòn chí tử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.