Thế giới

Mỹ trút bom xuống thành trì của IS ở Syria

24/09/2014, 09:03

Lần đầu tiên Mỹ và đồng minh tiến hành không kích 20 mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria. Một tay súng thuộc IS tuyên bố nhóm này sẽ đáp trả các vụ không kích này.

Mỹ và đồng minh lần đầu không kích IS trên lãnh thổ Syria
Mỹ và đồng minh lần đầu không kích IS trên lãnh thổ Syria

Tiêu diệt 20 phiến quân


Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết: Các đợt không kích sáng 23/9 do Mỹ phát động ở tỉnh miền Bắc Raqa của Syria đã tiêu diệt được hơn 20 phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo AFP. Hai địa điểm của IS ở tỉnh Raqa bị xóa sổ hoàn toàn sau những đợt không kích. Các máy bay không kích cất cánh từ tàu sân bay George H.W. Bush


Trước đó, Thiếu tướng John Kirby - thư ký báo chí Lầu Năm Góc nói: “Tôi có thể xác nhận rằng quân đội Mỹ cùng các lực lượng đối tác đang triển khai hành động quân sự nhằm vào các phần tử khủng bố IS ở Syria. Tham gia chiến dịch này có các chiến đấu cơ, máy bay ném bom và tên lửa hành trình Tomahawk”.

Tướng John Kirby không nói rõ những đồng minh nào cùng tham gia không kích. Theo một quan chức Mỹ, chiến dịch không kích nhằm vào khoảng 20 mục tiêu, trong đó có kho chứa vũ khí và các tòa nhà do IS chiếm đóng. Một nguồn tin khác cũng xác nhận rằng, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Bahrain đã tham gia chiến dịch, trong khi Qatar đóng vai trò hỗ trợ.


Mỹ thiết lập một liên minh, gồm NATO, Australia và các nước Arab, nhằm đối phó với IS đang kiểm soát một vùng rộng lớn của Syria và Iraq. Kể từ tháng 8, Mỹ phát động 190 cuộc không kích nhằm vào IS trên lãnh thổ Iraq.


Từ khi bắt đầu các cuộc tấn công trên diện rộng hồi tháng 6 đến nay, IS đã hành quyết hàng trăm người Iraq và Syria, chặt đầu các con tin nước ngoài và buộc hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ngày 22/9, người phát ngôn của IS - Abu Mohammed al-Adnani đã phát một tuyên bố dài 42 phút trên Internet kích động người Hồi giáo sát hại dân thường ở mọi quốc gia tham gia liên minh chống IS của Mỹ.

Chưa được sự đồng ý của Syria


Các cuộc không kích diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc - nơi ông đang tìm cách thuyết phục thêm nhiều nước vào mặt trận chống IS do Mỹ lãnh đạo. 


Đại diện Bộ Ngoại giao Syria cho biết: “Mỹ thông báo tới đặc phái viên tại Liên hợp quốc rằng, chiến dịch không kích sẽ được tiến hành nhằm vào các mục tiêu của IS ở Raqa và các khu vực gần biên giới Iraq”.

Tuy nhiên, theo BBC, các vụ tấn công ở Syria khác với ở Iraq: Chính phủ Iraq mời Mỹ không kích IS, còn chính phủ Syria chưa đưa ra đề nghị tương tự. Điều này có nghĩa Mỹ quyết định không kích mà chưa có sự đồng ý của nước này. Trước đó, Mỹ và đồng minh bác bỏ khả năng hợp tác chống IS với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad.
 

IS tuyên bố đáp trả

 

Ngày 23/9, một tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố nhóm này sẽ đáp trả các vụ không kích do Mỹ cầm đầu bên trong lãnh thổ Syria, đồng thời chỉ trích Saudi Arabia đã cho phép tiến hành những vụ oanh kích này.

 

Chiến binh IS trên nói: “Những vụ tấn công này sẽ bị đáp trả. Những đứa con trai của Saloul là những kẻ phải chịu trách nhiệm. Để xảy ra (các vụ không kích) là do chúng.” Saloul là thuật ngữ được đối tượng trên sử dụng để xúc phạm Hoàng tộc ở Saudi Arabia.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời văn phòng báo chí Điện Kremlin (Nga) hôm nay cho biết: Ông Vladimir Putin và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa trao đổi quan điểm về nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống IS.

Phía Nga nhấn mạnh rằng, các cuộc không kích vào căn cứ của phe khủng bố Nhà nước Hồi giáo nằm trên lãnh thổ Syria, không nên diễn ra nếu không có sự đồng thuận của chính phủ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ - nước vẫn còn do dự tham gia liên minh do Mỹ phát động nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo cũng đã để ngỏ khả năng sẽ cùng Mỹ tham gia chiến dịch không kích IS.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan nói: “Chúng tôi đã từng nói rằng, sẽ chỉ cung cấp các khoản hỗ trợ nhân đạo cho Liên minh chống IS song không tham gia hoạt động khác của chiến dịch bởi lúc đó chúng tôi có tới 49 con tin bị bắt giữ. Tuy nhiên, tôi cũng đã nói rằng, chúng tôi sẽ đề cập về những vấn đề khác chỉ sau khi 49 con tin của chúng tôi đã được trả tự do”.


Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, các cuộc không kích sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề nếu không đưa bộ binh tới thực địa. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đã bác khả năng gửi bộ binh tham chiến chống lại IS. Mặt khác, Thủ tướng Iraq al-Abadi khẳng định, “không chấp nhận bất kỳ hành động can thiệp quân sự trên bộ nào tại Iraq”.

Thanh Huyền

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.