Hồ sơ tài liệu

Mỹ và EU bất đồng trừng phạt Nga

20/03/2014, 06:38

Những lời đe dọa trừng phạt cùng những động thái gây sức ép liên tục của Mỹ và EU nhiều ngày qua đã không ngăn được việc Crimea sáp nhập vào Nga.

Những lời đe dọa trừng phạt cùng những động thái gây sức ép liên tục của Mỹ và EU nhiều ngày qua đã không ngăn được việc Crimea sáp nhập vào Nga. Bây giờ, họ đang lúng túng và mâu thuẫn trong việc trừng phạt Nga mức độ nào?
 

Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo Crimea bắt tay sau ký kết hiệp ước sáp nhập
Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo Crimea bắt tay sau ký kết hiệp ước sáp nhập


Nga vẫn là thành viên của G8

Hôm qua (19/3), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thông báo rằng, các quốc gia phương Tây vừa nhất trí đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong nhóm G8. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, Nga vẫn là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8). Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho, bà Merkel nhấn mạnh, tình hình hiện nay chỉ làm trì hoãn công tác chuẩn bị của các nước phương Tây trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 Sochi vào tháng 6 tới. Ngoại trừ việc này, chưa có bất cứ quyết định nào được đưa ra. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini cũng khẳng định rằng, cơ cấu của G8 không bị phá bỏ.

Không những thế, Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ trong một cuộc điện đàm về tình hình Ukraine liên quan đến bán đảo Crimea sau lễ ký kết sáp nhập vào Nga cho rằng, vẫn còn “lối thoát ngoại giao” để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông Obama và bà Merkel nhất trí rằng, các biện pháp trừng phạt mà EU và Mỹ đưa ra đối với một số quan chức Nga là hợp lý. Tuy nhiên, cả Berlin và Washington đều cho rằng, nhiều khả năng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình. Hai bên nhấn mạnh, sẵn sàng tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị và đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, theo hướng chú trọng tới các lợi ích của cả Nga và người dân Ukraine. Ngoài ra, ông Obama và bà Merkel cũng thỏa thuận sẽ thống nhất hành động trong vấn đề Ukraine.

Ukraine không gia nhập NATO

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau như hiện nay, nhiều chính khách phương Tây đã lên tiếng cảnh báo những biện pháp trừng phạt Nga cũng sẽ tác động tiêu cực tới Mỹ và EU. Không những thế, trừng phạt có thể phản tác dụng khi Nga áp dụng các biện pháp trả đũa tương tự. Ông Dmitry Peskov - Thư ký của Tổng thống Nga trả lời BBC: “Nếu một đối tác kinh tế ở phía này của thế giới áp đặt lệnh trừng phạt, chúng tôi sẽ chuyển sự chú ý của mình sang các đối tác khác ở phần khác của thế giới. Thế giới này không đơn cực, chúng tôi sẽ tập trung vào các đối tác kinh tế khác”. Theo ông Peskov, các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga là điều không thể chấp nhận được và Nga vẫn tiếp tục dự định đề nghị hợp tác kinh tế với EU.

Ngoại trưởng Cyprus - Ioannis Kasoulides cho rằng, không cần phải có thêm trừng phạt quanh vấn đề Crimea, cần cân nhắc đến các hậu quả đối với các nước EU. Và trong trường hợp EU quyết định trừng phạt Nga trong phiên họp diễn ra hôm nay (20/3), thì Cyprus sẽ chính thức đệ đơn đề nghị EU phải có các biện pháp đền bù cho Cyprus.

Hôm qua, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng tạm quyền Ukraine - Arseny Yatseniuk ngày 18/3 cho biết, ban lãnh đạo mới thân phương Tây của nước này sẽ không tìm kiếm tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm làm yên lòng Nga và cộng đồng những người nói tiếng Nga tại Ukraine. “Với quan điểm duy trì sự thống nhất của Ukraine, việc gia nhập NATO không nằm trong chương trình nghị sự. Đất nước Ukraine sẽ được bảo vệ bởi một quân đội Ukraine hùng mạnh và hiện đại”, ông Yatseniuk nói.
 

Bộ Tài chính Nga dự kiến chi 5 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng để Crimea có thể thu hút khách du lịch. Trước mắt, Nga sẽ phải chi khoảng 30 tỷ USD trong 10 năm để ổn định tình hình KT-XH và nâng mức sống cho người dân Crimea, hiện vẫn là một vùng nghèo khó.

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Crimea sau khi tình hình ở đó ổn định. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cho biết, ngoài một số dự án đầu tư trên lãnh thổ Ukraine, Trung Quốc dự định thuê ở Crimea khoảng 10.000ha đất nông nghiệp.

 

 

Thanh Huyền

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.