Góc nhìn

Myanmar tự tin sẽ không dính “bẫy nợ” của Trung Quốc

02/07/2018, 08:11

Chính phủ Myanmar đang khá tự tin và mong muốn triển khai Dự án cảng nước sâu Kyaukpyu với sự hậu thuẫn...

32

Cảng Kyaukpyu của Myanmar

Chính phủ Myanmar đang khá tự tin và mong muốn triển khai Dự án cảng nước sâu Kyaukpyu với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc bất chấp có nhiều cảnh báo về “bẫy nợ” khó trả đến từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của chính quyền Bắc Kinh.

Hợp tác “win - win”

Phát biểu trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng, ông Thaung Tun, Bộ trưởng Liên hiệp kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia và Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC), bác bỏ nỗi sợ hãi về “bẫy nợ Trung Quốc” và nói rằng, ông tự tin dự án sẽ là một thỏa thuận “win - win” (cùng thắng). “Chúng tôi muốn dự án này sớm được tiến hành. Cả hai bên đang đàm phán và sắp đưa ra quyết định chung”, ông Thaung Tun nói.

Nằm ở phía Tây bang Rakhine, dự án cảng nước sâu Kyaukpyu có tầm quan trọng chiến lược trong việc kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương và nằm ở cuối của tuyến đường ống dẫn dầu, khí đốt đưa nhiên liệu đến các tỉnh phía Tây Nam, Trung Quốc. Cảng cũng sẽ giúp giảm nhu cầu vận chuyển nhiên liệu của Trung Quốc qua eo biển Malacca đầy biến động.

Dự án này nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc đã từng vấp phải nhiều chỉ trích vì khiến các quốc gia đang phát triển vướng vào các khoản nợ khó trả. Một trong những trường hợp điển hình là việc cảng Hambantota của Sri Lanka đã phải cho Tập đoàn China Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê 99 năm vào cuối năm ngoái như một thỏa thuận cắt giảm nợ Chính phủ.

Ông Thaung Tun cho biết, Myanmar hiểu rõ trường hợp của cảng Hambantota, nhưng Chính phủ nước ông tin rằng, dự án mới có vai trò rất quan trọng cả về mặt kinh tế và chính trị. “Sri Lanka có vấn để riêng và họ phải tự giải quyết khoản nợ của mình”, vị bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, ông Thaung Tun cho rằng, không có cái gọi là “bẫy nợ” với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. “Ngay cả trường hợp của Sri Lanka cũng không phải là tồi. Trung Quốc đang thực hiện chính sách giúp các nước láng giềng trở nên giàu có và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ họ.

Có những người nói khuyên chúng tôi cẩn thận không bị mắc bẫy. Mỗi người có ý kiến của riêng họ, nhưng chúng tôi chắc chắn dự án tại Kyaukpyu sẽ đem lại lợi ích cho cả Myanmar lẫn Trung Quốc”, Chủ tịch MIC một mực tự tin khẳng định.

Điểm nhấn cho chính phủ mới

Ông Thaung Tun cho biết, Myanmar cần những dự án táo bạo như trên để thu hẹp “khoảng cách cơ sở hạ tầng” với các nước láng giềng. Đặc biệt, là Chính phủ mới đã lên nắm quyền cách đây 2 năm, mong muốn mang lại những thay đổi rõ rệt cho đất nước.

Dự án tại Kyaukpyu sẽ được thực hiện theo các giai đoạn với vốn đầu tư ban đầu khoảng 9 tỷ USD. Citic, một tập đoàn đầu tư của nhà nước Trung Quốc, chiếm 70% cổ phần dự án, phần còn lại được cân đối giữa Chính phủ Myanmar và hiệp hội các công ty địa phương.

Khi được hỏi về an ninh cho các dự án Trung Quốc ở bang Rakhine, vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng Rohingya mới xảy ra cách đây không lâu, ông Thaung Tun cho biết cảng Kyaukpyu cách xa khu vực phức tạp ở phía Bắc. “Mọi thứ đều cực kì an toàn. Có những kĩ sư Trung Quốc bắt đầu làm việc. Trong tương lai, chúng tôi mong các du khách Trung Quốc sẽ tới Kyaukpyu và ghé thăm những bãi biển tuyệt vời ở đây”.

Quan chức Myanmar cũng tỏ ra lạc quan rằng, sẽ có những cuộc đàm phán nhằm giải quyết dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD tại miền Bắc Myanmar - vốn bị trì hoãn từ năm 2011 bởi vấn đề môi trường và sự không đồng thuận từ phía người dân.

Chính phủ và phương tiện truyền thông Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Myanmar hồi sinh dự án này, nhưng ông Thaung Tun cho rằng, dù là một dự án rất khả thi 10 năm trước nhưng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hiện đã có thể sản xuất đủ điện mà không cần tới đập Myitsone nữa.

Mô tả Bắc Kinh như một “người bạn và hàng xóm thân thiết”, ông Thaung Tun cho biết, vẫn hy vọng rằng, hai nước có thể giải quyết vấn đề và có thể thay thế dự án gây tranh cãi này bằng một dự án khác.

Cũng theo Bộ trưởng Thaung Tun, Myanmar muốn tập trung vào các dự án hợp tác kinh tế với cường quốc đông dân nhất thế giới, trong đó có hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar, kết nối tỉnh Vân Nam với TP Mandalay ở miền Trung Myanmar. Ý tưởng hợp tác này được đưa ra và thúc đẩy bởi Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2017.

Ông Thaung Tun tiết lộ, một tuyến đường sắt nối Ruili ở tỉnh Vân Nam với Mandalay sẽ sớm được triển khai và có khả năng sẽ mở rộng đến cả Kyaukpyu, cố đô Yagon, thành phố lớn nhất và là điểm du lịch phổ biến ở Myanmar.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.