Xã hội

Nài voi “tí hon” ở Buôn Đôn

16/07/2016, 10:16

Mới 10 tuổi, Y Quyết Rya (ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã điều khiển voi thuần thục...

6

Y Quyết Rya điều khiển voi Gen chở du khách tại khu du lịch Buôn Đôn

Mới 10 tuổi, Y Quyết Rya (ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã điều khiển voi thuần thục. Những chú voi được nài voi “tí hon” khuất phục một cách điêu luyện, khiến du khách đến Buôn Đôn không khỏi trầm trồ khen ngợi.

Nối nghiệp nuôi dưỡng voi của tổ tiên

Y Quyết Rya cất tiếng khóc chào đời trên vùng đất Buôn Đôn huyền thoại, nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề thuần dưỡng voi rừng do đồng bào Ê Đê khơi nguồn. Trải qua bao mùa rẫy trên lưng mẹ, cậu bé Y Quyết Rya lớn lên và bộc lộ rõ tố chất của một nài voi thực thụ. Một lần, Y Quyết Rya theo cậu là Y Thế Knul (40 tuổi) chở du khách du ngoạn trên dòng Sêrêpốk, cậu và chú voi quấn quýt bên nhau một cách kỳ lạ. Sau ngày đó, người cậu Y Thế đã bỏ công đào tạo cậu bé trở thành một nài voi, kế thừa truyền thống của buôn làng. Giờ đây, Y Quyết mới 10 tuổi đã khuất phục được những chú voi to lớn.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk hiện tại voi nhà ở Buôn Đôn còn 43 cá thể (18 voi đực, 25 voi cái) do một số gia đình và tập thể hộ gia đình nắm quyền sở hữu, chủ yếu được các nài voi sử dụng để phục vụ du lịch. Cũng theo ông Luân, do yếu tố môi trường thay đổi quá nhiều, voi nhà không có không gian để “yêu” nên tỉ lệ sinh sản của chúng trong 30 năm qua chỉ đạt 0,6%/năm và lâu rồi chưa thấy voi nhà đẻ. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ năm 2011 đến nay, có 10 cá thể voi nhà bị chết do các nguyên nhân như: Già yếu, tai nạn, sát hại và kiệt sức. 

Đến Buôn Đôn, hỏi chuyện về cậu bé Y Quyết Rya, một người đàn ông bên đường cho chúng tôi hay: “Y Quyết Rya là niềm tự hào của buôn này đó. Nó biết điều khiển voi từ nhỏ, là người mai này nối nghề nuôi dưỡng voi cho buôn làng. Những đứa trẻ ngang tuổi nó, không ai làm được đâu”. Tương tự, bà H’Hóa Byă (buôn trưởng Buôn Đôn) nói đầy tự hào: “Y Quyết Rya là cậu bé đặc biệt, nó say mê những chú voi đến kì lạ. Với nó, voi như một người bạn. Ngoài giờ đến trường, nó luôn quấn quýt với những chú voi. Chúng tôi sợ truyền thống của buôn làng sẽ bị mai một nhưng từ nay đã có Y Quyết Rya nắm giữ rồi. Truyền thống thuần dưỡng voi, đánh cồng chiêng, uống rượu cần sẽ được kết nối đến muôn đời sau”.

Chúng tôi gặp Y Quyết Rya ở đồi Tâm Linh thuộc Khu rừng sinh thái Bản Đôn. Giữa khu rừng khộp cây lá xanh tươi, con voi to khỏe đang vươn vòi kéo lá tre ăn ngấu nghiến. Thấy người lạ, cậu bé da ngăm đen đúng chất Ê Đê đang nằm dài trên lưng voi ngồi dậy, đưa mắt nhìn chúng tôi. Tôi hỏi: “Voi của em tên gì? Voi được mấy tuổi rồi. Trễ rồi sao chưa cho voi về”. Nghe xong, cậu bé đạp nhẹ hai gót chân vào hông voi, chú voi ngay lập tức quay sang bụi tre khác ăn lá. “Chú voi có tên là Gen, được 35 tuổi rồi đó. Một lát nữa em cho voi xuống tắm rồi về”, Y Quyết Rya nhanh nhẹn nói.

Nhớ lại năm 2012, khi được thả ăn trong rừng, voi Gen bị một con voi rừng tấn công khiến bị thương ở tai và đuôi. Khi hay tin, Y Quyết Rya chạy đến đứng bên voi Gen khóc nức nở. Mấy ngày liền, Y Quyết Rya đi theo cậu vào rừng hái lá thuốc về chữa trị cho voi. Y Quyết Rya đã thức trắng hai đêm liên tiếp để cùng người cậu nấu thuốc. Nấu lá thuốc xong, cậu bé mang vào rừng cho voi. Ngày voi hết bệnh, nó mừng ra mặt, cười không ngớt. Lúc đó, một già làng trong buôn quả quyết, “Không ai khác, chính thằng Y Quyết Rya là người nối nghiệp nuôi dưỡng voi của Tổ tiên người Ê Đê để lại”.

Nài voi điêu luyện

Đợi voi Gen túm thêm vài nắm lá, Y Quyết Rya lấy tay gõ vào phía đầu voi. Như hiểu ý cậu bé, voi Gen quay đầu đi về hướng hồ nước rồi ngâm mình dưới làn nước. Cậu bé lấy tay té nước, tắm rửa khắp cơ thể voi. Chú voi tỏ vẻ thích thú, vươn vòi phun từng luồng nước trắng xóa rồi gầm vang vọng cả khu rừng. “Trễ rồi đưa Gen lên bờ đi. Ở dưới nước lâu sẽ lạnh nó đấy”, giọng một người đàn ông đi từ phía sau tới. “Cậu em đó, cậu tên Y Thế. Đã đến giờ rồi, cậu em kêu mang Gen về”, nói xong, Y Quyết Rya ghé tai vào đầu Gen thì thầm điều gì đó, rồi đưa hai chân tiếp tục lắc lắc vào hông voi. Gen lập tức chuyển động, đứng dậy khiến mặt hồ như dậy sóng.

Tiếp chuyện chúng tôi, Y Thế cho hay: “Khi Y Quyết Rya lên 7, tôi bắt đầu truyền dạy kỹ năng làm nài voi cho nó. Lúc đầu, tôi cho nó tiếp xúc để voi quen hơi. Khi voi Gen đã thân thiện, tôi mới cho nó dẫn voi tập đi và đưa voi ra hồ uống nước. Khoảng một tuần sau, tôi mới cho nó tập cưỡi, tắm rửa, vệ sinh cho voi. Khi Y Quyết Rya rèn luyện đủ các kĩ năng và làm chủ được voi, tôi mới tập cho chở khách du lịch”. Giờ đây, mọi thao tác chăm sóc, điều khiển voi... Y Quyết Rya đã thuần thục lắm rồi. Mỗi ngày, Y Quyết Rya thường thay cậu điều khiển voi chở khách thăm quan và du ngoạn trên dòng sông Sêrêpốk. Trong khắp buôn làng, lũ trẻ cùng tuổi với Y Quyết Rya không ai có thể làm được như vậy”.

Trời dần về chiều, Y Quyết Rya điều khiển voi chở chúng tôi về buôn. Cậu bé đang ngồi giữa lưng voi, bỗng vươn về phía trước, lấy tay vỗ vỗ vào đầu voi hét lớn “trum .. trum” (quỳ xuống), voi Gen nghe thấy ngồi thụp xuống đưa vòi giúp hai vị khách lên lưng. Chờ chúng tôi lên xong, cậu bé tiếp tục hét “hăng... hăng” (đi), rồi cả ba người ngồi trên lưng voi ra khỏi rừng. Trên đường về, Y Quyết Rya bật mí, để điều khiển được voi thì nài voi phải thuộc các khẩu ngữ như: “Hăng” (đi), “Trum” (quỳ xuống), “Hau” (dừng lại), “Truth” (đứng dậy)… Theo cậu bé, quan trọng nhất là phải làm quen với voi, sau đó điều khiển voi mới dễ dàng. Lúc gần gũi rồi, voi sẽ xem nài voi như người bạn và răm rắp nghe lời. Ngược lại, để voi xa lánh thì không bao giờ voi nghe lời nài voi. Vậy mà cũng có lần lại gần, thấy voi Gen hung hãn rượt đuổi, Y Quyết Rya sợ hãi khóc đỏ mắt chạy về gọi cậu. Khi ấy, cậu phì cười rồi nói: “Gen không sao cả, em không làm gì sai để voi Gen giận cả. Đó là do voi Gen đến mùa động dục nên hung dữ, không muốn tiếp xúc với người thôi”, Y Quyết nhớ lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.