Thời sự

Năm 2018, bắt đầu dùng sách giáo khoa, chương trình mới

21/10/2014, 10:49

Chương trình, SGK mới sẽ tích hợp cao các lĩnh vực giáo dục, các môn học ở tiểu học và THCS để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học.

img

Theo đó, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là 778,8 tỉ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ biên soạn SGK, kể cả các tổ chức, cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có bốn bộ); nghiên cứu SGK điện tử. Còn 316,8 tỉ đồng là để biên soạn tài liệu giáo dục cho các địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương…

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn một bộ SGK (bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học để sử dụng thống nhất trong toàn quốc); đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn SGK khác nhau. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập hội đồng thẩm định đối với những bộ/cuốn sách này.

Ông Luận cũng khẳng định, việc có một bộ SGK do Bộ tổ chức biên soạn sẽ không ảnh hưởng đến các bộ SGK khác cùng lưu hành. Tất cả bộ SGK đều được Hội đồng Quốc gia thẩm định độc lập. Bộ sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền bộ SGK của Bộ cho các nhà xuất bản, kinh phí thu được sẽ nộp Ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, chương trình, SGK mới sẽ tích hợp cao các lĩnh vực giáo dục, các môn học ở tiểu học và THCS để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học. Cách thức giảm tải là lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới.

Đối với chương trình THPT, sẽ phân hóa mạnh bằng hình thức dạy học tự chọn theo định hướng. Theo đó, kết thúc cấp THCS là học sinh đã hoàn thành giáo dục cơ bản; lên THPT học sinh được học phân hóa mạnh gắn với định hướng nghề nghiệp. Mỗi học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân.

Dự kiến, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 1/2015 – 6/2017): Tuyên truyền, xây dựng và thẩm định chương trình, SGK mới, hướng dẫn thực hiện.

Giai đoạn 2 (từ 7/2017 – 6/2018): Bổ sung chính sách, tiếp tục biên soạn thẩm định các bộ SGK.

Giai đoạn 3 (từ 7/2018 – 12/2021): Dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình SGK mới. Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

 

VA

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.