Tài chính

Năm 2019, ngân hàng đối mặt với áp lực nào?

24/12/2018, 07:30

Vòng luẩn quẩn vì nợ xấu, đã khó khăn lại càng khó tăng vốn sẽ khiến các ngân hàng càng thêm áp lực.

ap-luc-ngan-hang-2019

Các ngân hàng phải tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel 2. Ảnh minh hoạ

Áp lực tăng vốn ngay trước mắt

Ông Nguyễn Xuân Thành (Giảng viên trường ĐH Fullbright Việt Nam) cho rằng, quan trọng hơn câu chuyện xử lý nợ xấu chính là vấn đề tăng vốn của các ngân hàng. Bày tỏ quan điểm, ông Thành cho biết, nếu ngân hàng có vốn yếu thì “không ổn”.

Một vấn đề cần cảnh báo là về quản trị ngân hàng. Cần xóa bỏ hiện tượng số ít cổ đông thống trị ngân hàng, sở hữu chéo trước. Cần xóa bỏ tình trạng chủ tịch một tập đoàn thống trị cả ngân hàng.

Bức xúc nhất là ở chỗ đó. Ngân hàng nằm trong tay tập đoàn, bị các tập đoàn chi phối sẽ không tập trung được vốn cho vấn đề lớn của quốc gia là công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay ưu tiên phát triển ngành nọ ngành kia khi ngân hàng phải phụ thuộc vào khả năng sinh lời của tập đoàn.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nên cảnh báo vấn đề này vì đây cũng là cản trở lớn nhất của cải cách quản trị ngân hàng hiện nay khi chỉ có một số ngân hàng tư nhân làm tốt, còn đại đa số ngân hàng đều rơi vào vướng mắc khi có tình trạng sở hữu chéo.

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy

Còn trong trường hợp ngân hàng tăng được vốn thì lúc ấy với tiềm lực mạnh, quay lại việc xử lý nợ xấu cũng không phải quá nặng.

“Do đó định hướng chính sách là làm sao để ngân hàng cơ chế tăng vốn và đáp ứng được điều kiện của Basel 2 (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng - PV)”, ông Thành nhấn mạnh. Hiện mới có Vietcombank và VIB được công nhận đạt chuẩn Basel 2.

Với số lượng ít ỏi này, ông Thành cho rằng, khi ngân hàng có vốn “khỏe” và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Basel 2 thì Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế nới “quota” tín dụng đến mức trần chịu đựng của ngân hàng đó, còn không sẽ bị siết không cho tăng trưởng tín dụng cao. “Đây chính là động lực để ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu”, chuyên gia của ĐH Fullbright nói.

Xử lý nợ xấu, tăng vốn cũng là hai vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng hiện nay theo góc nhìn của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy. Ông Thúy cho rằng sở dĩ các nhà đầu tư ngại ngần vào ngân hàng một phần là bởi vẫn còn gánh nặng nợ xấu. Chính điều này đã cản trở việc tăng vốn của các ngân hàng, nhất là ngân hàng quốc doanh trong lộ trình đáp ứng chuẩn Basel 2.

“Còn các ngân hàng thương mại khác tăng vốn tự có để đáp ứng chuẩn Basel 2 hiện cũng rất khó khăn mà hạn 2020 đang tới gần. Để tăng vốn mỗi năm hệ thống phải bỏ ra 4 tỷ USD phục vụ việc tăng vốn mà hai năm nay loay hoay mới được hơn 2 tỷ USD”, ông Thúy nói và cho rằng các ngân hàng phải nhìn nhận lại lộ trình tăng vốn.

Tuy nhiên, với các ngân hàng quốc doanh, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho biết “còn phụ thuộc vào ngân sách mà ngân sách nay còn đang cân đong đo đếm”. Chính vì thế, vừa qua một số ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh dù đề xuất xin giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn nhưng không được đồng thuận và buộc phải chia cổ tức bằng tiền mặt.

Thờ ơ với con đường sống còn

Trong bối cảnh nợ xấu đã được xử lý nhưng vẫn còn là vấn đề nhức nhối của các ngân hàng, ông Thúy cho rằng, lãi suất huy động cao sẽ khiến lợi nhuận thấp, giảm cơ hội bổ sung cho nguồn vốn.

Theo ông Thúy, lãi suất huy động của các ngân hàng đang phố biến ở mức 7%. Mức này cao hơn lạm phát (4% năm 2018). Về phía người gửi tiền, đây là yếu tố có lợi bởi “người gửi tiền không làm gì mà hưởng 3% lãi suất thật (sau khi đã trừ đi lạm phát - PV) mà không cần đóng đóng thuế. So với các nước thì không có chuyện đó”.

Huy động lãi suất cao như vậy ông Thúy cho rằng do yếu tố cạnh tranh giữa các ngân hàng và tâm lý người dân liệu có mang tiền gửi ngân hàng nếu lãi suất thấp. Do đó, ở khía cạnh ngân hàng, huy động lãi suất cao đang khiến biên lợi nhuận (NIM) chỉ ở mức 3%.

“Tôi từng làm ngân hàng và thấy NIM đó quá thấp, không đủ dự phòng tín dụng ngân hàng chứ không nói chi tiêu tùy tiện trong hệ thống”, ông Thúy nói. Với mức lãi suất huy động cao như vậy, lợi nhuận của ngân hàng sẽ không cải thiện. Ông Thúy cũng dự báo lãi suất năm tới khả năng nhiều là vẫn đứng ở mức cao như hiện nay. “Và nếu giữ được ở mức như này là thành công, ngay cả khi CPI 4%”, Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Hiện nay, ngành ngân hàng muốn cải thiện chỉ số lợi nhuận và nhanh chóng có nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu cũng như nhanh chóng đáp ứng chuẩn Basel 2, Nguyên thống đốc cho rằng chỉ còn con đường số hóa. Nếu áp dụng công nghệ và số hóa các ngân hàng sẽ giảm được chi phí và có cơ hội tăng lợi nhuận.

Trong khi đó, hiện nay tình trạng hiện đại hóa công nghệ ngành ngân hàng như đánh giá của ông Lê Đức Thúy là quá chậm.

Nhìn lại cả hệ thống, ông Thúy kể tên được một số rất ít ngân hàng tư nhân nhỏ đang mon men đi vào công nghệ số hóa và cũng chỉ ở môi trường số là chính chứ chưa đi vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Còn tình trạng phổ biến hiện nay là các ngân hàng đang “xin bằng được mở chi nhánh, tăng biên chế mà ít quan tâm giảm biên chế, tăng năng lực quản trị qua số hóa”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.