Hạ tầng

Năm 2020, cả nước có 2.500 km đường cao tốc

26/02/2015, 07:20

Bộ GTVT đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc với nhiều giải pháp quyết liệt.

92
Hiện cả nước có gần 600 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (Cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành giúp giảm thời gian đi lại giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Lào Cai chỉ còn 3 giờ, giảm hơn nửa thời gian so với trước) - Ảnh: Lê Hiếu

Hàng loạt tuyến cao tốc mới sẽ được xây dựng

Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT), cả nước hiện có 576 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Cuối năm nay, hai dự án Hà Nội - Hải Phòng và Lào Cai - cửa khẩu Kim Thành hoàn thành, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc lên 700 km.

Hiện các tuyến La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Bắc Giang, tuyến nối Hải Phòng - Quảng Ninh và Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang gấp rút thi công, tới đây sẽ bổ sung thêm 457 km nữa. Ngoài ra, ba dự án cao tốc Mai Dịch - Nam Thăng Long, Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch với tổng chiều dài 120 km đã xác định được nguồn vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, các đoạn tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, Bắc Giang - Lạng Sơn, Nội Bài - Bắc Ninh đã có nhà đầu tư quan tâm hoặc cam kết về vốn với tổng chiều dài 508 km, tổng mức đầu tư 75.561 tỷ đồng.

Cũng trong cuộc họp chiều qua, trước phản ánh của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN về tình trạng, trên một số tuyến cao tốc hiện nay mặc dù đã có biển cấm nhưng nhiều xe máy vẫn cố tình đi vào, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng sớm xây dựng một nghị định trình Chính phủ để xử lý triệt để vấn đề này. “Nếu cần thiết sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một nghị định cho phép tịch thu xe máy của những người cố tình đi vào đường cao tốc. Những xe thu được sẽ tiến hành bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ người nghèo”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Với các dự án cao tốc chưa có nhà đầu tư quan tâm, ông Hoằng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng hai kịch bản để thực hiện. Theo kịch bản tăng trưởng thấp, các tuyến Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép, Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, Hạ Long - Mông Dương với tổng số 523 km sẽ được thực hiện đầu tư. Theo kịch bản này, nếu nhà đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến, đến năm 2020, cả nước sẽ có 2.380 km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

Trong khi đó, với kịch bản tăng trưởng cao, ngoài việc thực hiện đầu tư các dự án ở trên, sẽ đầu tư thêm các đoạn tuyến: Mông Dương - Móng Cái, Phú Mỹ - Vũng Tàu, Tân Phú - Liên Khương, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 318 km. “Nếu đầu tư theo kịch bản cao, đến năm 2020 sẽ có 2.689 km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác”, ông Hoằng khẳng định.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, hiện đơn vị đang đề xuất để tham gia đầu tư xây dựng các dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Bãi Vọt,… bằng hình thức BOT. “Dự kiến đến năm 2020, chúng tôi sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.000 km đường cao tốc”, ông Tuấn Anh nói và đề xuất Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia phát triển đường cao tốc, đặc biệt là cho phép thực hiện cơ chế chỉ định nhà đầu tư tham gia.

Đối với các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc TCT Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long kiến nghị, cần bổ sung thêm các đoạn tuyến: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Bạc Liêu - Hà Tiên, Sóc Trăng - Châu Đốc... vào hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020.

Nhà nước chỉ làm những chỗ tư nhân không làm được

Tại cuộc họp chiều qua (25/2) về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Một đất nước phát triển thì phải có hệ thống đường cao tốc đồng bộ. GTVT phải là ngành đi trước mở đường”.

Theo Bộ trưởng Thăng, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, vốn Trái phiếu Chính phủ mà phải huy động những nguồn lực xã hội hóa bằng các hình thức, phương thức khác nhau.

“Đây là đòi hỏi bắt buộc xuất phát từ thực tiễn. Chúng ta triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc phải theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Những việc gì tư nhân, doanh nghiệp làm được thì để họ làm, còn Nhà nước chỉ làm những chỗ tư nhân không làm được để đến năm 2020, cả nước phải có 2.500 km đường cao tốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, về mặt thể chế chính sách, người đứng đầu ngành GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ hoàn thiện và triển khai nghị định về quản lý, khai thác và các quy định đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc theo hướng tiên tiến của quốc tế.

“Chúng ta xây dựng phát triển đường cao tốc phải theo hướng không làm ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến nợ công. Các dự án phải đem lại hiệu quả, trong quá trình thiết kế phải khảo sát kỹ càng, hướng tuyến cần lựa chọn hợp lý, khoa học, tránh các khu dân cư và những vùng đất yếu. Các cầu vượt trên tuyến phải đảm bảo nguyên tắc đường nhỏ vượt đường lớn”, Bộ trưởng Thăng nói và cho biết, sẽ ưu tiên những nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư nhằm phát huy nội lực, đồng thời chấp thuận cơ chế chỉ định nhà đầu tư.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) xây dựng đề án tổng thể dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển đường cao tốc quy hoạch đã được duyệt. Trong đề án này, Bộ trưởng lưu ý, TEDI cần ưu tiên kết nối hệ thống cao tốc Bắc - Nam, khu vực Tây Nguyên và bổ sung thêm một số tuyến: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tuyến hành lang ven biển phía Nam… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.