Thị trường

Năm 2022, miền Bắc sẽ thiếu 1.592-2.400 MW điện ở một số giờ cao điểm

26/11/2021, 14:42

EVN cho biết, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.592-2.400 MW nguồn điện trong một số giờ cao điểm.

Miền Bắc sẽ thiếu khoảng 2.400 MW trong một số giờ cao điểm

Tại diễn đàn “Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19” được tổ chức ngày 26/11, do Hội truyền thông số và Báo Giao thông phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia qua tâm đến vấn đề cung ứng điện cho năm 2022.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, về cơ bản, hệ thống điện (HTĐ) Quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năm 2022, tuy nhiên, khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5-6-7).

img

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Theo ông Lâm, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 213 tỷ kWh, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020, song vẫn thấp hơn 5,7 tỷ kWh so với KH năm (218,7 tỷ kWh).

Trong khi đó, khu vực miền Bắc vẫn tăng trưởng rất cao, kể cả trong tháng 8/2021, khi xuất hiện các đợt nắng nóng, công suất cực đại miền Bắc đạt 21.782 MW (ngày 6/8), tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi, tổng công suất đặt HTĐ miền Bắc gần 28.500 MW (đã bao gồm thủy điện nhỏ).

“Với dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt từ 23.927-24.721 MW, tăng thêm 2.076-2.870 MW so với năm 2020, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.592-2.400 MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan”, ông Lâm cho biết.

Tính đến hết tháng 10, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam gồm: 32% nhiệt điện than, 27% NLTT, 29% thủy điện, 9% nhiệt điện khí, 2% nhiệt điện dầu, 1% nhập khẩu.

Trong bối cảnh, việc cung ứng điện của các nhà máy thủy điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thủy điện thiếu hụt.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2021, khu vực các hồ Lai Châu, hồ Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm, tần suất 84%-98%.

Ước tính đến 31/12/2021, tổng lượng nước tính trong hồ trên hồ thủy điện là 14.3 tỷ kWh, hụt 738 triệu kWh. Mực nước các hồ như Hòa Bình có thể hụt 4,5m, Thác Bà hụt 2,87m, Nậm Chiến 1 hụt 23,8m, Bắc Hà hụt 13,1m, Cửa Đạt hụt 6,7m…

Thực tế, tổng sản lượng thủy điện lũy kế 10 tháng đầu năm theo nước về đạt 62,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Giải pháp nào?

Ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã chuẩn bị kịch bản sản lượng điện tăng 12,4%, tương đương 286,1 tỷ kWh.

Giải pháp cần thực hiện để đảm bảo cung ứng điện đó là, phải tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ miền Bắc.

Bên cạnh đó, sẽ phải huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

“Tăng công suất nguồn điện thủy điện nhỏ vào các khung giờ cao điểm; Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và huy động các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ tại miền Bắc“, cũng là những giải pháp được EVN tính toán đến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.