Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án gần 4.600 tỷ đồng
Sáng nay (6/9), Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp và báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 cho hay trong kỳ báo cáo, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 1.347 vụ án và 3.565 bị can phạm tội về tham nhũng.
Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính gần 4.600 tỷ đồng và gần 60.000m2 đất.
Trong đó, các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ gần 1.540 tỷ đồng và trên 45.300m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 97 miếng kim loại màu vàng, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại…
Các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với 88 bất động sản; yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch đối với 13 sổ tiết kiệm (tổng giá trị khoảng 1.117 tỷ đồng).
Các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can; tạm đình chỉ điều tra 46 vụ án/50 bị can; đình chỉ điều tra 6 vụ án/8 bị can; thay đổi tội danh 7 vụ án/13 bị can; chuyển cơ quan điều tra khác 4 vụ án/6 bị can và đang điều tra 591 vụ án/1.251 bị can.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 1733 vụ/4898 bị can.
Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 975 vụ /2.814 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; trong đó xét xử 640 vụ/1.531 bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 62 bị cáo; phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm với 203 bị cáo…
Về công tác thi hành án dân sự và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, Chính phủ cho hay có 1.577 việc phải thi hành, trong đó 1.328 việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.028 việc.
Cũng theo Chính phủ, tổng số tiền phải thi hành gần 16.100 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 11.500 tỷ đồng, đã thi hành xong gần 8.440 tỷ đồng.
Vẫn để xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện đúng chỉ đạo "kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.
Theo đó, các cơ quan đã kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.
Đặc biệt, từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng.
Cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương, tiếp tục tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra từ nhiều năm trước; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, tại báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nêu nhiều khó khăn, hạn chế trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, Chính phủ thừa nhận "vẫn để xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận".
Cùng với đó, việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kết quả tương trợ tư pháp.
Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu kéo dài hoặc chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án, theo Chính phủ.
Đưa ra dự báo cho năm 2025, Chính phủ cho rằng tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế giới và khu vực. Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài", báo cáo Chính phủ nêu.
Ngoài ra, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nhấn mạnh 2025 là năm cuối thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ lưu ý công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được đẩy nhanh, toàn diện, kịp thời, không đưa vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật.
"Phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực", Chính phủ nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận