Quản lý

Năm 2025 làm xong sân bay 25 triệu khách Long Thành

27/11/2019, 07:58

Quốc hội yêu cầu dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đảm bảo tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

img
ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Chiều 26/11, với hơn 90% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHK Long Thành) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD. Cùng với việc sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh của Chính phủ, Quốc hội yêu cầu dự án phải đảm bảo tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Chính phủ quyết tổng mức đầu tư

Đạt 52 triệu USD lợi nhuận ngay năm đầu
Liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của Dự án là 19%. Trong khi đó, thông thường, tỷ suất nội hoàn kinh tế yêu cầu đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ khoảng 10 - 12 %. Dự án đóng góp trực tiếp khoảng 0,98% vào quy mô GDP của Việt Nam vào năm 2030, tạo ra khoảng 200.000 việc làm.
Ngay sau khi vận hành, CHK Long Thành sẽ phục vụ khai thác 22-23 triệu hành khách/năm. Do vậy, theo tính toán, trong năm đầu tiên khai thác CHK Long Thành đã có lợi nhuận sau thuế khoảng 52 triệu USD.

Theo đó, Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, GPMB và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015 về chủ trương đầu tư Dự án CHK Long Thành.

Quốc hội giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Về phương án huy động vốn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; Bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng song Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Cuối cùng, Quốc hội nhất trí bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào Dự án: Tuyến số 01 nối với QL51; Tuyến số 02 nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hoàn toàn có thể giao ACV đầu tư

img
Đồ họa tổng quan dự án CHK quốc tế Long Thành

Trước đó, trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK Long Thành giai đoạn 1 trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Thực tế, theo Luật Đấu thầu, việc lựa chọn nhà đầu tư có thể thực hiện theo một trong các hình thức được quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 26. Đối với trường hợp cụ thể của Dự án CHK Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định áp dụng một trong các hình thức sau: Đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (Điều 20); Đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (Điều 21); Chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (Điều 22); Lựa chọn nhà đầu tư theo trường hợp đặc biệt (Điều 26).

Theo các chuyên gia, Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ hoàn toàn có thể giao ACV đầu tư một số hạng mục chính của sân bay Long Thành chiểu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu.

Xây dựng kế hoạch chi tiết, quản chặt tiến độ

Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành (giai đoạn 1) là hơn 111.689 tỷ đồng, tương đương với 4,779 tỷ USD. Phạm vi lập tổng mức đầu tư đã bao gồm đầy đủ các hạng mục công trình đồng bộ đảm bảo cho việc phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm theo quy mô đầu tư giai đoạn 1 bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng hai tuyến đường giao thông kết nối số 1 và số 2.
Dự án CHK Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư sẽ bao gồm 4 đường cất/hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư toàn dự án dự kiến là 16,03 tỷ USD.


Trao đổi với Báo Giao thông ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHK Long Thành giai đoạn 1, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh khẳng định: “Trường hợp được giao đầu tư sân bay Long Thành, ACV sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành dự án vào năm 2025”.

“Thực tế, có một số ý kiến cho rằng, việc triển khai Dự án CHK Long Thành khá chậm mặc dù Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015. Tuy nhiên, tôi muốn nói lại rằng: “Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã khẩn trương triển khai các bước thực hiện theo quy định pháp luật”, ông Thanh nói và dẫn chứng, năm 2016 - 2017, đã triển khai công tác thi tuyển quốc tế kiến trúc nhà ga hành khách, tổ chức triển lãm, lấy ý kiến cộng đồng, tổng hợp ý kiến lựa chọn và phê duyệt phương án thiết kế. Năm 2018 - 2019, tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn tư vấn và tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thực hiện thẩm tra, thẩm định và trình duyệt dự án. Song song tổ chức lập và trình duyệt dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho phạm vi 5.000ha phục vụ thực hiện dự án.

“Chính phủ đã nỗ lực để tổ chức thực hiện dự án, tuy nhiên do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, cần triển khai qua nhiều trình tự theo quy định pháp luật nên cần có thời gian như trên”, ông Thanh khẳng định.

Về những e ngại về khả năng hoàn thành dự án vào năm 2025, trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ thừa nhận, việc đầu tư xây dựng CHK Long Thành là rất cấp thiết, trong khi thời gian thực hiện dự án là khá găng, đồng thời cam kết trong quá trình thực hiện dự án sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết để chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Thông tin thêm về tiến độ dự án, ông Lại Xuân Thanh cho hay, dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ngay trong những tháng đầu năm 2020. Việc lựa chọn tư vấn, thiết kế kỹ thuật sẽ được thực hiện từ tháng 2 - 6/2020 trước khi khởi công dự án, thực hiện san nền vào tháng 1/2021. Hạng mục khu bay sẽ được thi công tháng 3/2022, nhà ga sẽ được thi công từ tháng 6/2022, đảm bảo hoàn thành toàn bộ việc thi công xây dựng vào tháng 12/2025.

“Thời gian dự kiến xây dựng là 5 năm phù hợp với việc triển khai xây dựng một số cảng hàng không ở Việt Nam và trên thế giới như: CHK Phú Quốc (4 năm), Nhà ga hành khách CHK Nội Bài (3,5 năm), Nhà ga hành khách CHK Tân Sơn Nhất (3 năm), CHK Survanabhumi - Thái Lan (5 năm), CHKQT Đại Hưng - Bắc Kinh (5 năm)”, ông Thanh nói thêm.

Đối với tiến độ GPMB, do phần lớn diện tích đất phục vụ thi công giai đoạn 1 (1.291/1.810 ha) là đất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN nên việc GPMB có thuận lợi nhất định. Hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm đếm và sẽ bồi thường vườn cây cao su trong năm 2019. Phần còn lại là 519ha đất của các hộ gia đình, cá nhân, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm đếm được 78%. Theo kế hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai phấn đấu bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 vào cuối năm 2020 để khởi công dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Cam kết giao mặt bằng sạch đúng tiến độ

img
Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành cưa cắt cao su bàn giao mặt bằng 2 khu tái định cư phục vụ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Vĩnh Phú

Tiến độ GPMB phục vụ dự án sân bay Long Thành là một trong những vấn đề khiến nhiều ĐBQH lo ngại. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHK Long Thành giai đoạn 1, UBTVQH cũng khẳng định GPMB, bồi thường “còn chậm, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 là thách thức không nhỏ”.

Cũng từ đây, yêu cầu tiến độ GPMB cũng được Quốc hội nêu rõ trong Nghị quyết mới ban hành. Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ GTVT, các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công Dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cũng cho biết, Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết, cụ thể để triển khai Dự án GPMB, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha trước năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội. UBND tỉnh Đồng Nai phấn đấu bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 vào tháng 10/2020.

Đối với công tác xây dựng hạ tầng tái định cư, tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật, hiện đang lập bản vẽ thiết kế thi công, dự toán công trình. Dự kiến UBND tỉnh Đồng Nai khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2019, người dân có thể nhận đất tái định cư và xây dựng nhà ở vào tháng 6/2020.

Đối với Phân khu III Khu tái định cư Bình Sơn, Đồng Nai đang điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và phê duyệt các dự án thành phần. Dự kiến khởi công xây dựng vào Quý II/2020, người dân có thể nhận đất tái định cư và xây dựng nhà ở vào Quý IV/2020.

Được biết, dự kiến đến cuối năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải ngân được 1.768,5 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch (chủ yếu chi trả bồi thường cho các tổ chức sử dụng đất và triển khai xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn). Số vốn còn lại tiếp tục giải ngân trong năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.