Khám phá

Năm Dậu kể chuyện tục cổ cúng lễ gà

01/02/2017, 15:16

Sau thời gian dài bị đứt quãng, hơn chục năm trở lại đây, tục cổ “ra gà” lại được người dân hai thôn Hạ...

15

Đình Hạ - nơi làm lễ “ra gà” ngày mùng 5 Tết

Thần tích ly kỳ

Đình làng Hạ ngày nay vẫn còn lưu giữ được cuốn thần tích xã Chu Khổng (nay là xã Chu Hóa) được biên soạn từ năm 1572. Theo đó, thời vua Duệ Vương có Long Vương thủy quốc từng hay du ngoạn nơi trần thế, đầu thai vào nhà dân để bảo vệ họ Hùng. Khi ấy ở phủ Lâm Thao, đạo Sơn Tây có một người tên Bảo, họ Hùng, lấy vợ người xã Chu Khổng, tên là Trần Thị Xương. Hai vợ chồng vốn là người nhân hậu, có tâm làm việc thiện nhưng tới ngoài 50 tuổi vẫn không có con khiến Hùng công phiền muộn mà qua đời. Sau khi an táng cho chồng, Trần thị trở về bản quán sinh sống. Khi đó, Trần thị có một mảnh ruộng nhỏ nằm bên chiếc đầm lớn, tục gọi là xứ Chuôm Ngừ. Một hôm, bà ra ruộng cấy lúa xong, bèn xuống đầm tắm gội. Đột nhiên, Trần thị thấy dưới đầm nổi lên ba quả trứng to, bèn nhặt về cho vào nồi nấu. Lạ một điều, bà đun trứng từ giờ Ngọ (12h trưa) tới giờ Thân (16h chiều) mà nước trong nồi vẫn nguội lạnh. Khiếp sợ, Trần thị đem trả ba quả trứng vào vị trí cũ trong đầm. Đêm ấy, khoảng cuối canh ba, đang say giấc ngủ, bà mộng thấy một người hình dáng đầu rồng, mặt hổ, hàm én, thân rắn theo sau có mấy tiểu đồng áo xanh đều kì hình dị tướng từ phía Nam bước vào truyền rằng: Ban cho ba quả trứng là giống của Long vương, hãy mang về để chỗ thanh tịnh mà cất giữ trong vòng 100 ngày. Y lời truyền, Trần thị lại ra đầm mang trứng về nhà để nơi thanh tịnh. Đúng 100 ngày sau, ba quả trứng bỏ lốt, hóa thành ba người con trai với dung mạo khác thường tóc rồng, hàm én...

Sự việc được truyền tới Hùng Duệ Vương, Đức vua liền phong cho ba vị là Thủy quan Đại tướng. Năm ba vị 26 tuổi, Vua nước Ai Lao cho quân sang xâm chiếm, Hùng Duệ Vương lệnh cho Tản Viên Sơn Thánh cùng ba vị Thủy quân đại tướng ngăn giặc. Tuân lệnh, ba vị trở về bản quán chiêu mộ binh sĩ và truyền cho nhân dân trong xã mỗi gia đình nộp một con gà trống, để làm lễ cầu đảo tế sơn thần và thủy thần. Trong khi khấn, ba ngài thầm xin nếu nhờ bách thần phù hộ quả được thành công thì gà trong lồng sẽ bay ra mà múa. Khấn xong thì quả nhiên như vậy, ba ngài mừng lắm, lập tức chia quân cùng tiến, một trận đã chém được mấy nghìn đầu giặc, khiến đối phương tự tan vỡ rút chạy. Thắng giặc xong, ba vị trở về quê rồi hóa thánh. Dân làng xã Chu Khổng lập ba miếu thờ ba ngài. Cũng từ đó, nơi đây có tục cúng “ra gà” vào ngày mùng 5 tháng Giêng (đúng ngày ba vị tướng làm lễ xuất quân). Theo lệ, vào ngày này, gia đình nào sinh con trai trong năm thì đều làm lễ xôi gà mang ra đình làng cúng thánh nhập đinh, với ước nguyện được phù hộ cho con trẻ mạnh khỏe, ăn ngoan chóng lớn.

Tục thiêng lưu truyền

Về xã Chu Hóa bây giờ, những chứng tích liên quan tới ba vị thủy thần như đầm Chuôm Ngừ hay đồi thông (nơi làm lễ xuất binh)... ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Theo cụ Hà Văn Thỏa (88 tuổi), thôn Chu Thượng, tục cúng “ra gà” được duy trì tới trước năm 1946, sau đó do chiến tranh, địch họa nên bị ngắt quãng cho tới khoảng mươi năm trở lại đây mới được khôi phục. “Ngày xưa, nhà nào đẻ con trai cũng phải chuẩn bị một con gà trống to nhất, đẹp nhất nhốt vào lồng. Cách chăm gà cũng thật công phu, mỗi ngày đủ ba bữa, đích thân chủ nhà phải trộn cơm nóng với cám gạo ngon bón cho gà ăn sao cho vừa đủ, nếu quá tay gà sẽ chết. Đến ngày mùng 5 Tết, chủ hộ làm lễ long trọng rước gà từ nhà ra đình. Nhà nào có điều kiện còn bố trí đội người đốt pháo đi trước, khiêng rước gà theo sau”, cụ Thỏa nhớ lại. Cũng theo tục cổ, gà cúng phải được làm thịt tinh khiết, tim và lưỡi đều được giữ lại. Lễ cúng bắt đầu từ 1h sáng. Khi cúng xong cũng là lúc trời vừa sáng, các bậc tiên chỉ trong làng sẽ chấm xem con gà nhà ai to đẹp nhất. “Không có phần thưởng, nhưng nhà nào được chấm gà nhất sẽ được tiếng vang cả làng, một năm con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt... nên ai nấy vui lắm!”, cụ Thỏa nói.

Ngày nay, tục “ra gà” khi được khôi phục đã có phần đơn giản hơn xong khâu lựa gà cúng vẫn cầu kỳ không kém. Nhớ lại ngày sinh con trai vào đúng mùng 4 Tết Nguyên đán 2015, chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Hạ) kể: “Gia đình cứ nghĩ sinh cháu khi đã sang năm mới nên chủ quan không chuẩn bị gà cúng. Ấy thế mà, khi hai mẹ con còn đang nằm ở viện thì người nhà đã báo tin phải về chuẩn bị lễ “ra gà” nhập đinh. Vậy là bà nội với chồng tất tả chạy đi khắp nơi tìm mua vì thời điểm này rất khó có gà trống đẹp. May sao cũng chọn được gà, kịp làm lễ ra đình vào tối mùng 5...”.

Ông từ đình làng Hạ, Nguyễn Văn Sài (71 tuổi), cho biết, tất cả gia đình sinh con trai từ trước 12h đêm mùng 5 Tết đổ về trong năm đều phải thổi xôi, thịt gà làm lễ nhập đinh tại đình làng. “Tới ngày này, ngay từ đầu giờ chiều, đại diện các hộ dân (thường là những ông bố) đã mang lễ đặt lên ban thờ. Có năm tôi cúng cho hơn 40 cháu, từ 1h đêm tới 8h sáng hôm sau mới xong. Ấy thế mà, cũng có năm ngồi chờ mãi chỉ có một gia đình mang lễ tới, tôi cũng cúng”, ông Sài vui vẻ kể chuyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.