Hỏi - Đáp

Nam điều dưỡng mắc Covid-19 ở Hải Phòng sẽ bị xử lý thế nào?

24/02/2021, 15:51

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi vi phạm quy định phòng dịch Covid-19 có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tùy vào hậu quả gây ra.

img

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM)

Vừa qua, UBND TP Hải Phòng có công văn hỏa tốc gửi Công an thành phố vào cuộc điều tra, xử lý đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống Covid-19.

Cụ thể là trường hợp anh N.V.Q (SN 1994, trú huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; nơi ở: Số 1, lô 112 Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng), là điều dưỡng tại Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng. Anh N.V.Q hiện được xác định nhiễm Covid-19.

Đáng nói, khi khai báo với cơ quan chức năng lần đầu, bệnh nhân N.V.Q cho biết, có về quê Cẩm Giàng, Hải Dương nhưng về từ ngày 3/1, tức là thời điểm tỉnh Hải Dương chưa công bố dịch. Tuy nhiên, công an xác định, ngày 23, 24/1, bệnh nhân đã về TP Hải Dương.

Tiếp tục, đến ngày 27/1, bệnh nhân về quê ở Cẩm Giàng; ngày 28/1, bệnh nhân về Hải Phòng và đến nhà của người yêu là bệnh nhân Đ.T.P (nữ điều dưỡng Bệnh viện GTVT Hải Phòng), ở xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động ăn cơm, từ đó ở lại TP Hải Phòng.

Chính vì vậy, ngày 22/2, TP Hải Phòng ghi nhận chùm ca bệnh Covid-19 với 3 bệnh nhân, gồm: anh N.V.Q; chị Đ.T.Ph (SN 1995, trú thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, là nữ điều dưỡng Bệnh viện GTVT, người yêu anh N.V.Q) và em Đ.M.T (SN 2001, ở thôn 4 xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, là em gái của chị Đ.T.Ph).

Trước sự việc này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, Nhà nước đã ban hành các văn bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19, xác định dịch bệnh Covid-19 bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân".

Cùng với đó, TAND Tối cao cũng đã ban hành Công văn số 45 hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan việc phòng chống dịch theo quy định của Bộ luật Hình sự, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể áp dụng để xem xét xử lý hình sự với một số trường hợp vi phạm.

"Trong trường hợp cụ thể này, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của anh N.V.Q. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Bình nêu quan điểm.

Luật sư Bình cho biết, ở mức độ xử phạt hành chính, người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.

Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.

"Cơ quan nhà nước phải xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh Covid-19. Ở đây, N.V.Q là người làm việc trong ngành y tế, hoàn toàn hiểu và đáng lẽ phải nghiêm chỉnh tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, nhưng thật đáng tiếc, anh ta đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống Covid-19. Yếu tố này cần được các cơ quan chức năng xem xét để xử lý nghiêm làm gương cho những người khác” luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.