Xã hội

Nam Định: Dân tố doanh nghiệp tự ý mua gom đất làm cụm công nghiệp

20/11/2022, 21:23

UBND huyện Nam Trực khẳng định doanh nghiệp không được mua bán đất trong vùng dự án, nhưng nhiều người dân phản ánh đã bán đất cho doanh nghiệp.

Có hay không chuyện không mua được thì cưỡng chế?

Cầm trên tay tờ đơn với gần 20 chữ ký của người dân thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phản ánh về việc mua bán, bàn giao đất trong dự án Cụm Công nghiệp tập trung (CNTT) Đồng Côi II, ông Đoàn Văn Đồng, trú tại tổ dân phố số 7, thị trấn Nam Giang bức xúc: "Cùng 1 dự án, chỗ thì doanh nghiệp mua đất, chỗ thì huyện đứng ra cưỡng chế, khiến người dân không đồng thuận".

img

Người dân trình bày sự việc với phóng viên

Ông Đồng cho biết, gia đình ông có thửa đất 10/6 (tờ bản số đồ 3) diện tích 934m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 29/5/1995, loại đất chuyên trồng lúa nước.

Cuối năm 2021, ông Cao Văn Nghĩa (có tên gọi khác là Ngãi, hiện là Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang – chủ đầu tư dự án Cụm CNTT Đồng Côi) cùng vợ đến đặt vấn đề mua thửa đất 934m2 của gia đình ông Đồng và trả mức giá 820 triệu đồng, nhưng gia đình ông Đồng chưa bán.

Sau đó vài tháng, gia đình ông Đồng nhận được thông báo thu hồi đất của UBND huyện Nam Trực với mức bồi thường 72 triệu đồng/sào; và tới ngày 10/11/2022, UBND huyện đã tổ chức cưỡng chế thửa đất này.

Để xác nhận thêm câu chuyện này, ông Đồng cho PV nghe lại băng ghi âm buổi làm việc giữa đoàn công tác của Hội đồng GPMB huyện với gia đình ngày 3/11/2022. Trong ghi âm, ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường của huyện Nam Trực khẳng định: "Tôi đã gọi điện cho ông Nghĩa và ông Nghĩa xác nhận có xuống gia đình anh Đồng đặt vấn đề mua đất". Ông Hưởng cũng cho rằng, nếu hôm ông Nghĩa đến mua, gia đình đồng ý thì đã được nhận 820 triệu đồng cho thửa đất 934m2 đất này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đoàn Văn Siêu (42 tuổi, trú tổ 7, thị trấn Nam Giang) cũng cho biết, cuối năm 2020, gia đình ông cũng đã bán cho ông Ngãi (Nghĩa) - Giám đốc Công ty Nam Giang 2 sào đất trồng lúa nằm trong vùng dự án Cụm CNTT Đồng Côi với giá 300 triệu đồng/sào.

Ông Phạm Văn Rung (68 tuổi, trú tổ 7, thị trấn Nam Giang) cũng cho biết, gia đình ông có 2 sào đất trồng lúa trên cánh đồng Rộc Ruối, tại thời điểm dịp 30/4/2021, gia đình ông đã bán cho ông Chiến - doanh nghiệp cán thép trong Cụm CNTT Đồng Côi với giá 700 triệu đồng/2 sào.

Bà Đoàn Thị Đoan, trú tại tổ dân phố số 7, thị trấn Nam Giang có 509m2 đất thuộc vùng dự án Cụm CNTT Đồng Côi II cho biết, gia đình bà cũng từng lưỡng lự chưa bán đất cho Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang, thì bị quyết định cưỡng chế.

"Nếu là đất thu hồi cho dự án tỉnh phê duyệt, thì theo quy định, chỉ huyện mới được đứng ra giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân. Nhưng thực tế, đều là doanh nghiệp đứng ra mua, trực tiếp thương lượng với dân; chỗ nào doanh nghiệp không mua được thì huyện lại đứng ra cưỡng chế. Có khuất tất gì ở đây?", bà Đoan nghi vấn.

"Nếu tất cả người dân đều bị thu hồi với giá 72 triệu đồng/sào thì gia đình tôi cũng đồng ý giá đó. Nhưng đa phần các hộ dân đã bán đất cho Công ty Nam Giang với giá trên dưới 300 triệu đồng/sào, vậy tại sao cùng một loại đất, cùng để thực hiện 1 dự án, lại có người bán cho chủ đầu tư, có người bị huyện cưỡng chế?", ông Đồng thắc mắc.

img

Trụ sở UBND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định

Doanh nghiệp không được tự mua đất của dân

Theo tìm hiểu của PV, dự án Cụm CNTT Đồng Côi được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt từ năm 2018, theo kế hoạch triển khai năm 2020. Đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, và tỉnh giao cho UBND huyện đứng ra bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, suốt 2-3 năm qua, dù dự án đã được phê duyệt và triển khai, một số doanh nghiệp trong vùng dự án, trong đó có vợ chồng ông Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang tự đứng ra thương lượng, mua đất của nhiều hộ dân. Việc mua bán rất đơn giản, phía bên mua giao tiền, bên có đất giao sổ đỏ, sau đó cuối năm 2021, người dân được đưa 1 số giấy tờ để ký.

Để làm rõ phản ánh này, PV đã tìm gặp ông Cao Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang), nhưng ông Nghĩa từ chối trả lời và đề nghị PV liên hệ với UBND huyện Nam Trực.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường của huyện Nam Trực, ngày 29/3/2018, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định phê duyệt dự án mở rộng Cụm CNTT Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Theo đó, diện tích Cụm CNTT Đồng Côi giai đoạn 2 là 24,8ha; với các ngành nghề chính là: cơ khí, cơ khí đúc, luyện thép...

Dự án mở rộng Cụm CNTT Đồng Côi có tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Giang là chủ đầu tư xây dựng; thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020; thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Đặt câu hỏi: "Việc dự án đã có phương án giải phóng mặt bằng, nhưng phía chủ đầu tư vẫn đứng ra mua đất của nhiều người dân, có là đúng quy định pháp luật?", ông Hưởng khẳng định: Theo quy định của Luật Đất đai, 1 doanh nghiệp khi mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân, buộc phải có sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

"Với dự án Cụm CNTT Đồng Côi, chúng tôi chưa nhận được thông báo của UBND tỉnh Nam Định cho bất kỳ doanh nghiệp nào được quyền mua đất trong vùng thực hiện dự án. Nếu việc đó là có thật thì đây là việc làm chưa đúng", ông Hưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.