Kinh tế

Nạn nhân vụ sập hầm thủy điện được bồi thường thế nào?

20/12/2014, 15:43

12 nạn nhân sẽ được bồi thường thế nào, họ có bị ảnh hưởng tâm lý gì không, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường, trả chi phí giải cứu?

Giây phút giải cứu các nạn nhân ra khỏi hầm thủy điện
Giây phút giải cứu các nạn nhân ra khỏi hầm thủy điện. Ảnh: Vĩnh Phú

Liên quan đến vụ tai nạn sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo tại Lâm Đồng khiến 12 người bị mắc kẹt, hiện công tác cứu hộ các nạn nhân vẫn đang được các ban ngành khẩn trương tiến hành và đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Bên cạnh việc cầu mong cho các nạn nhân được giải cứu an toàn, nhiều người cũng băn khoăn trong vụ tai nạn lao động này, 12 nạn nhân sẽ được bồi thường như thế nào, họ có bị ảnh hưởng tâm lý gì không, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường?

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Dân sự hiện hành, việc bồi thường cho các nạn nhân được xét trên các trường hơp.

Trong trường hợp tất cả các nạn nhân được giải cứu an toàn, đảm bảo tính mạng, thì thứ nhất, thời gian họ bị mắc kẹt trong hầm, không làm việc, chủ sở hữu lao động vẫn phải chi trả lương bình thường cho họ. Sau đó, các nạn nhân phải được đưa đi khám xét tổng thể về sức khỏe, nếu có vấn đề về sức khỏe, họ phải được điều trị kịp thời. Đồng thời, họ cũng được nghỉ ngơi một thời gian nhất định để ổn định lại tinh thần, thể chất sau nhiều ngày mắc kẹt trong hầm tối. Thời gian nghỉ ngơi này, dù không làm việc nhưng họ vẫn được hưởng lương, chế độ như bình thường. Mọi chi phí khám chữa bệnh, chủ sở hữu lao động phải chịu hết.

Trong trường hợp – điều này không ai mong muốn tuy nhiên theo luật thì vẫn phải liệt kê từng trường hợp – có nạn nhân nào đó bị thương tích, nguy kịch đến tính mạng, thì mọi chi phí điều trị của nạn nhân, chủ đầu tư phải lo liệu. Thời gian họ nghỉ để dưỡng thương, điều trị, chủ đầu tư vẫn phải trả lương bình thường.

Còn trong trường hợp xấu nhất là có người mất mạng trong vụ sập hầm, thì chủ sở hữu lao động phải lo tổ chức, chi trả cho việc ma chay, mai táng. Bên cạnh đó, nếu nạn nhân có con cái, bố mẹ già đã qua tuổi lao động, chủ sở hữu lao động còn phải cấp tiền hàng tháng nuôi con cái họ cho đến khi đủ 18 tuổi, và cấp dưỡng cho bố mẹ già nạn nhân.

Còn về chi phí giải cứu các nạn nhân, cần xác định nguyên nhân vụ sập công trình hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo là do đâu. Nếu do chủ đầu tư công trình thi công ẩu, kể cả do nền đất yếu như một số báo đưa tin ban đầu về nguyên nhân sập hầm thì cũng là do chủ đầu tư không khảo sát kỹ địa chất khu vực trước khi thi công, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí giải cứu các nạn nhân. Còn Chính phủ, các cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng hỗ trợ, ủng hộ đến đâu thì hay đến đó.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải chịu các hình thức xử phạt khác như xử phạt hành chính bằng tiền, ngừng cấp phép hoạt động, thậm chí thay đổi chủ đầu tư cho công trình trên.

Nói về những ảnh hưởng, sang chấn tâm lý của các nạn nhân khi bị mắc kẹt trong hầm tối nhiều ngày, chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm tư vấn Thành Đạt (Hà Nội) cho rằng, những nạn nhân được đưa ra ngoài rất cần được đi khám bác sĩ tâm lý để ổn định tinh thần, tránh được các sang chấn tâm lý về sau. Bởi việc chịu đựng, trải nghiệm thảm họa trên trong một khoảng thời gian hàng chục, hàng trăm tiếng đồng hồ như vậy rất dễ gây ra các rối loạn về tinh thần, tâm lý, lo âu, sợ hãi…

Bên cạnh đó, việc ở trong hầm tối, không phân biệt được ngày đêm, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh cá nhân tối thiểu trong nhiều ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nạn nhân. Có những người vì lo âu, sợ hãi quá mà mất ngủ trong suốt nhiều ngày đêm, ảnh hưởng đến hoạt động của não, dẫm đến không tỉnh táo và không kiểm soát được các hành động của mình.

Vì thế, nếu lực lượng cứu hộ đã có thể liên lạc được với các nạn nhân qua đường ống truyền thức ăn, ống cứu sinh rồi thì nên thường xuyên động viên họ, cung cấp những tin tức tốt lành về việc giải cứu để họ an tâm hơn. Tốt hơn nữa là nên cho người thân của các nạn nhân trò chuyện với họ, nếu cần thiết thì có thể cho các bác sĩ tâm lý động viên, tư vấn thêm.

Khi được đưa ra ngoài, những nạn nhân này cần được đi khám sức khỏe và khám tâm sinh lý ngay. Sau này, họ cũng cần được theo dõi, tư vấn tâm lý định kỳ để ổn định tinh thần, để không còn những ám ảnh do vụ tai nạn gây ra nữa.

Theo Kiến Thức

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.