Đời sống

"Nắng ấm" ở Trà Leng

16/12/2020, 16:55

"Nắng ấm" đang trở lại Trà Leng khi chính quyền và các tổ chức thiện nguyện chung sức giúp dân tái thiết cuộc sống.

img

Ngày ngày, những đoàn thiện nguyện nối tiếp nhau vào xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hỗ trợ, giúp dân tái thiết cuộc sống

Tái thiết cuộc sống

Sau gần 2 tháng, trở lại tâm điểm sạt lở núi ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi thật sự xúc động trước những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, đơn vị thiện nguyện gây dựng, tái thiết lại đời sống cho người dân mất nhà, mất cửa, mất người thân.

Giữa rừng núi sâu thẳm Trà Leng còn ngổn ngang đất đá, trong những túp lều tạm dựng lên bằng tre, gỗ, lợp mái tôn đã văng vẳng tiếng cười, tiếng nói. Nỗi đau, nỗi mất mát vẫn còn đó, nhưng người dân đang lấy lại thăng bằng, dần dà trở lại nhịp điệu thường ngày.

Tiếp sức cùng người dân, những ngày qua, những đoàn từ thiện nối tiếp nhau mang theo những suất quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm bằng rừng, vượt núi vào tận nơi trao tặng cho bà con. Những tình cảm sẻ chia giữa lúc hoạn nạn như những tia nắng ấm áp giữa mùa đông giá lạnh, tạo thêm động lực cho bà con vượt qua khó khăn, mất mát.

img

Già làng Hồ Văn Đề (bên trái ảnh) có đến 8 người thân mất trong vụ sạt lở núi ở thôn 1, Trà Leng đến nay mới tìm thấy thi thể 3 người, còn 5 người mất tích.

Gần 2 tháng qua, điểm trường nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) là nơi trú tạm của hàng chục người dân mất nhà cửa, người thân. Trong đó, có cả gia đình già làng Hồ Văn Đề với hơn 10 người của tá túc. Trong đợt sạt lở vùi lấp vừa rồi, ông Đề có đến 8 người là con, cháu trở thành nạn nhân, đến nay chỉ mới tìm thấy thi thể 3 người.

Ông Đề bày tỏ: Những ngày qua, tôi và những người trong gia đình được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ, cưu mang từ dân làng, từ các đoàn từ thiện, của chính quyền địa phương. Những tình cảm ấy đã giúp mọi người trong gia đình vượt qua nỗi đau, lấy lại thăng bằng.

“Điều mong muốn của người dân chúng tôi lúc này là nhanh chóng kết thúc cuộc sống tạm bợ, sớm được về làng mới ở, sinh sống ổn định, làm ăn kinh tế”, ông Đề nói.

Sau một thời gian gấp rút khảo sát, chính quyền huyện Nam Trà My đã lựa chọn được vị trí xây dựng khu tái định cư tập trung cho người dân vùng thiên tai xã Trà Leng.

Khu mặt bằng tái định cư nằm cao ráo trên địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Trà Dơn và Trà Leng, với quy mô diện tích 3ha. Tuy nhiên, để hình thành nên một ngôi làng, khu dân cư khang trang, ổn định với hệ thống đường giao thông, công trình nước sinh hoạt đảm bảo thì còn phái mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, bày tỏ: Để khu tái định cư thực sự mang diện mạo của một ngôi làng thì phải tốn khá nhiều thời gian lẫn tiền bạc.

“Nếu khu tái định cư lập làng mới chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở, không đáp ứng yêu cầu sinh kế lâu dài thì chắc chắn người dân đồng bào thiểu số sẽ quay về làng cũ. Khi đó mọi công sức, tiền bạc bỏ ra đều đổ sông, đổ bể. Vì thế, ngoài việc tạo mặt bằng xây dựng nhà, thì người dân cũng cần có đất để sản xuất rau màu, chăn nuôi, sản xuất. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đang nỗ lực hết sức đảm bảo các điều kiện đó, nhằm sớm tái thiết cuộc sống cho bà con nhân dân”, ông Mẫn nói.

img

Điểm trường nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) là nơi trú tạm của hàng chục người dân mất nhà cửa, người thân trong gần 2 tháng qua.

Vẫn lo nỗi lo tái nghèo

Theo UBND huyện Nam Trà My, qua rà soát, thống kê sơ bộ tại địa bàn xã Trà Leng có gần 100ha quế và các loại cây trồng khác của nhân dân bị thiệt hại do các đợt mưa lũ, thiên tai, sạt lở tàn phá.

Phần lớn nhà cửa của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông ở nóc Ông Đề (thôn 1) và làng Tăk Pát (thôn 2) đều bị vùi lấp, cuốn trôi.

Cuộc sống người dân có nguy cơ nghèo hoặc tái nghèo. Hiện nay, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang chật vật phục hồi sinh kế, cuộc sống bị xáo trộn. Ngày ngày, người dân phải sống trong các căn nhà tạm bợ.

“Cùng với sự nỗ lực của chính quyền, thời gian quan, nhờ có sự chung sức, góp tay của cộng đồng, các tổ chức từ thiện, nên đến nay “cái ăn, cái mặc” của người dân không còn phải lo lắng.

Tuy nhiên, điều mà người dân cần thiết nhất bây giờ là giống vật nuôi, giống cây trồng để bà con phục hồi sản xuất. Vì vậy, bằng mọi khả năng của mình, trong thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện tái thiết cuộc sống cho người dân", ông Mẫn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.