Vận tải

Nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn trên biển

21/05/2014, 16:01

Mọi đối tượng khi gặp nạn trên biển đều có quyền được hỗ trợ, cứu giúp từ các lực lượng tìm kiếm cứu nạn những nước sở tại.

Diễn tập phối hợp TKCN Hàng không, Hàng hải trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu
Diễn tập phối hợp TKCN Hàng không, Hàng hải trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu

Bảo đảm an toàn tính mạng con người


Cùng với Công ước SAR 79 (Công ước quốc tế về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển), Công ước SOLAS (Công ước về an toàn tính mạng con người trên biển) đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về kết cấu, trang bị và khai thác tàu để bảo vệ an toàn sinh mạng cho tất cả mọi người trên tàu biển, bao gồm cả hành khách. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế và cùng tham gia thực hiện hai Công ước này.


Công ước SOLAS đưa ra các tiêu chuẩn đối với việc thiết kế và tính ổn định vững chắc của tàu khách và tàu chở hàng, lắp đặt máy móc và thiết bị hàng hải, phòng chống cháy nổ, phương tiện cứu sinh, thông tin liên lạc, an toàn hành hải, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, kết cấu và khai thác tàu… cho các quốc gia ven biển, quốc gia có đội tàu biển và những người tham gia hoạt động trên biển phải thực hiện nhằm bảo vệ an toàn sinh mạng cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển.


Ông Nguyễn Hoàng Huyến - Phó Trưởng ban thường trực Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ GTVT) cho biết, khi Việt Nam chính thức tham gia công ước SOLAS, Chính phủ đã thành lập các đơn vị chuyên trách về Tìm kiếm cứu nạn đứng đầu là Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất, thay mặt Chính phủ chỉ đạo, điều hành các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, Ủy ban cũng phối hợp với các nước trong khu vực để thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn, điều động và tổ chức phối hợp các lực lượng, các loại phương tiện của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn. 


Cũng theo ông Huyến, Trung tâm trực tiếp chỉ huy và điều hành các lực lượng, phương tiện chuyên nghiệp và không chuyên thuộc ngành Hàng hải sẽ tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển thuộc trách nhiệm của Việt Nam. Trung tâm này cũng chỉ đạo các tiểu Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực, các lực lượng, phương tiện, các tổ chức, đơn vị cá nhân trong và ngoài nước thực hiện một cách thống nhất, có hiệu quả các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.


Đơn cử như vụ tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia trong vùng biển Việt Nam. Ngoài việc tìm kiếm trên biển, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn đã có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại đảo Phú Quốc chỉ đạo các lực lượng hải quân, không quân, bộ đội biên phòng và UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng phương án để trục vớt, cứu hộ cứu nạn, cấp cứu… Ngay khi có thông tin về phương tiện gặp nạn, Ủy ban cũng có phương án đón tiếp, bố trí ăn ở cho thân nhân. 


Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu: “Đây là nhiệm vụ nhân đạo, đồng thời cũng là trách nhiệm bởi chúng ta đã tham gia các Công ước quốc tế. Do đó, dù chưa có thông tin từ phía bạn nhưng chúng ta vẫn duy trì lực lượng tìm kiếm”.

Hiện nay Việt Nam đã có 7 tàu TKCN chuyên dùng
Hiện nay Việt Nam đã có 7 tàu TKCN chuyên dùng

Phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu


Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn là vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Công tác này cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư đúng mức khi Việt Nam tham gia các Công ước quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế về hàng hải, hàng không… 


Ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển sử dụng nguồn vốn ORET – Hà Lan và dự án xây dựng cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đã và đang được triển khai để cung cấp các phương tiện, trang thiết bị cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Hiện tại, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải VN được trang bị 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng (trong đó có 3 tàu với chiều dài lớn nhất là 41m, tầm hoạt động bán kính 250 hải lý; 4 tàu với chiều dài lớn nhất là 27m) và 5 ca nô cao tốc phục vụ tìm kiếm cứu nạn. 


Tuy nhiên, theo ông Tiến các tàu tìm kiếm cứu nạn hiện phần nhiều đã cũ, thông số kỹ thuật đã giảm, các trang thiết bị phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn không đầy đủ (thiếu các thiết bị tìm kiếm ban đêm, thiết bị y tế…), kích thước tàu nhỏ chịu sóng gió hạn chế nên ảnh hưởng lớn đến công tác tìm kiếm cứu nạn, nhất là không có khả năng tham gia xử lý sự cố tràn dầu trên biển. Bên cạnh đó, các tàu này chỉ được thiết kế cho hoạt động trong bán kính 150 - 250 hải lý từ bờ và không hoạt động lâu ngày trên biển được. 


Thực tế cho thấy, trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay MH370 những chiếc tàu tìm kiếm cứu nạn phải dừng ngoài biển để đợi tàu hải quân tiếp dầu mặc dù mới hoạt động được hơn hai ngày trên biển. 

Đổi mới, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn


Để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, Bộ GTVT đang xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại VN” để từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tìm kiếm hàng hải, đáp ứng yêu cầu của công tác phối hợp tìm kiếm trong nước và hội nhập quốc tế. 


Ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết, hiện nay các cơ quan tham mưu đang chỉnh sửa và lấy ý kiến lần cuối để trình Bộ trưởng ký ban hành trong tháng 5/2014. 


Đối với một số vướng mắc, tồn tại trong công tác tìm kiếm cứu nạn, ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt dự án đầu tư đóng mới 4 tàu tìm kiếm cứu nạn loại 47m và có khả năng hoạt động dài ngày trên biển. Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ GTVT xây dựng đề án đầu tư 4 tàu tìm kiếm cứu nạn có tầm hoạt động 500 – 700 hải lý; chiều dài từ 80 – 100m, mới nước đảm bảo cho tàu hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 10 – cấp 12, có bố trí trực thăng tìm kiếm cứu nạn để trình Thủ tướng phê duyệt.


Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng cũng báo cáo Thủ tướng chấp thuận, sửa đổi, bổ sung phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo hướng điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục về đầu tư tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với lực lượng chuyên trách tìm kiếm cứu nạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khánh Lê
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.