Vận tải

Nâng cao ý thức văn hóa an toàn hàng không

26/09/2014, 07:56

Năm 2014, ngành Hàng không Việt Nam đã phát động cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014 - 2020.

img

Vì sao Cục Hàng không VN quyết định triển khai cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014 - 2020 trong toàn Ngành, thưa ông?


Có thể nói, cho tới thời điểm hiện nay, 2014 là năm có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đối với vấn đề an toàn hàng không dân dụng. Năm nay là mốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015), hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/1/1956 - 15/1/2016). Đây chính là động lực tinh thần to lớn để chúng tôi cùng nhau phấn đấu, tạo ra những thành tích mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cũng như các Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ đối với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.


Năm Văn hóa an toàn Hàng không 2013 đã có được những hiệu quả rất tốt, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Những thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn hàng không giai đoạn tiếp theo còn rất lớn. Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2013, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam chính thức triển khai Cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014 - 2020.


Nếu như hệ thống bảo đảm an toàn hàng không được ví như con cá thì văn hóa an toàn hàng không là nước. Nước có trong trẻo, tinh khiết, cá mới sống khỏe được. Tuy hệ thống bảo đảm an toàn hàng không về cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh trên các lĩnh vực theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), song nguy cơ xảy ra mất an toàn vẫn hiện hữu mà một trong những lý do chính là ý thức của con người.


Vì vậy, xây dựng văn hóa an toàn hàng không là xây dựng một môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh để các hệ thống bảo đảm an toàn phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nói tới văn hóa là nói tới nhận thức của mỗi con người. Do vậy, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải là một quá trình bền bỉ và lâu dài. 

Mục tiêu đặt ra cho cuộc vận động này là gì?


Cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không có ba mục đích chính. Thứ nhất, phát triển văn hóa an toàn hàng không thành lương tâm, trách nhiệm, ý thức tự giác của mọi người tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Thứ hai, cuộc vận động sẽ nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, hiểu biết pháp luật  của cán bộ, công nhân viên ngành Hàng không. Thứ ba, đó là nâng cao nhận thức của nhân dân về an toàn hàng không; phát huy vai trò của người dân trong xây dựng và bảo đảm an toàn hàng không.


Trong các mục tiêu nêu trên, ngành Hàng không xác định xây dựng văn hóa an toàn hàng không trước hết phải xuất phát từ “người nhà”. Tức là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, hiểu biết pháp luật, xây dựng văn hóa an toàn hàng không trong tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Hàng không, để mỗi cán bộ, công nhân viên trong  Ngành coi văn hóa an toàn hàng không là lương tâm, trách nhiệm, ý thức tự giác. Trên cơ sở đó, văn hóa an toàn hàng không sẽ được lan tỏa rộng rãi ra toàn xã hội và cộng đồng.

Cảm ơn ông!

P.V (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.