Hạ tầng

Nâng cấp đường Võ Văn Kiệt có ảnh hưởng đến giao thông?

04/11/2018, 16:15

Nhà thầu Nâng cấp đường Võ Văn Kiệt chia ra từng đoạn và thi công cuốn chiếu để không bị ùn tắc kéo dài...

20181102_141146

Đơn vị thi công phân làn đường ô tô để thi công nâng cấp mặt đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Phan Tư

Những ngày qua các phương tiện lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt từ đường Hồ Hảo Hớn đến Nguyễn Văn Cừ (hướng từ quận 1 về quận 5) gặp nhiều khó khăn. Làn đường ô tô bình thường có 3 làn xe thì nay được phân lại chỉ còn 1 làn xe, 2 làn còn lại đang được giăng dây để đơn vị thi công nâng cấp đường. Vào thời gian cao điểm buổi sáng nhiều phương tiện phải xếp đuôi nhau nối hàng dài.

Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết đơn vị này đang thực hiện dự án “Sửa chữa nâng cao độ mặt đường đường Võ Văn Kiệt từ Ký Con đến cầu Lò Gốm địa bàn qua các quận 1, 5, 6". Chiều dài của đoạn tuyến này gần 8,48km. Do tuyến đường được đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay đã gần 10 năm chưa được nâng cấp, một số vị trí mặt đường bị xuống cấp, lão hóa nhựa, rạn nứt mạng nhện.

20181102_141053

Làn đường ô tô bị thu hẹp khiến dòng phương tiện phải xếp hàng nối dài. Ảnh: Phan Tư

Một số đoạn cao độ mép đường thấp, gây ra tình trạng ngập úng khi mưa hoặc triều cường. Đồng thời, tại các vị trí nút giao có đèn tín hiệu giao thông phía làn ô tô, việc các phương tiện thắng gấp và dừng lâu, cộng với nhiệt độ mặt đường cao dẫn đến tính trạng mặt đường bị trồi lún, hằn vệt bánh xe.

Để đảm bảo khai thác an toàn, Sở GTVT đã phê duyệt dự án nâng cấp đường Võ Văn Kiệt từ Ký Con đến cầu Lò Gốm. Theo đó sẽ tiến hành nâng cao bó vỉa các bồn cây xanh, vỉa hè, đồng thời nâng cao độ mặt đường lên 30cm so với hiện tại. Tuy nhiên, việc nâng cao độ mặt đường không phải thực hiện trên toàn tuyến mà chỉ thực hiện đối với một số đoạn cao độ mặt đường bị thấp hoặc hư hỏng nhiều.

20181102_141234

Ô tô được hướng dẫn đi vào làn xe hỗn hợp để tránh ùn tắc phía bên làn xe dành riêng cho ô tô. Ảnh: Phan Tư

Cụ thể là các đoạn từ Km4+88,11 - Km5+040,00 (bên trái tuyến từ cầu Lò Gốm); đoạn Km7+800,00 -Km7+960,00 (bên trái tuyến Cầu Chà Và); Đoạn Km11+920,00 - Km12+600,00 (bên trái tuyến từ Trần Đình Xu đến Đề Thám); Đoạn Km12+640,00 - Km12+808,61 (bên phải tuyến nút giao cầu Ông Lãnh); Đoạn Km12+778,00 - Km13+072,70 (trái tuyến nút giao cầu Ông Lãnh).

20181102_141151

Nhà thầu chia ra từng đoạn và thi công cuốn chiếu để không bị ùn tắc kéo dài trên toàn tuyến. Ảnh: Phan Tư

Đơn vị thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà Tp.Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BMT. Ông Hồ Văn Phương Vũ, Giám đốc Xí nghiệp 8 (Công ty Công trình cầu phà TP HCM), cho biết để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, đơn vị tiến hành dăng dây, phần làn giao thông thông từ xa. Đồng thời cử người điều tiết giao thông để hạn chế tình trạng ùn tắc. Nhà thầu cũng phân ra từng đoạn, thi công cuốn chiếu, hạn chế ùn tắc trên toàn tuyến. Đồng thời, khuyến cáo các tài xế có thể chọn các hướng tuyến thay thế, như đi vào đường Trần Hưng Đạo phía bên trong để không bị ùn tắc trên đường Võ Văn Kiệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.