Bạn cần biết

Nắng nóng gay gắt:Hạn chế ra đường, bổ sung nước, dưỡng chất đầy đủ

05/06/2017, 07:51

Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội cho thấy, lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng, trong đó nhiều trường hợp...

20170604144830-1

Nhiệt kế ngoài trời có thời điểm lên tới hơn 50 độ C. Ảnh minh họa

Tại BV Nhi T.Ư, lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện trong mấy ngày gần đây trung bình 3.200-3.500 trẻ/ngày, tăng 10-15% so với bình thường. Tại khoa Nhi, BV Saint Paul số bệnh nhi cũng tăng 5-7%. Trẻ nhập viện chủ yếu là các bệnh lý đặc trưng của mùa hè là sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Tuy nhiên, cũng có một số trẻ nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp biến chứng sang viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. “Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hoà liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn”, BS. Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi, BV Saint Paul cho biết. Không chỉ bệnh nhi, tại BV Lão khoa, trong mấy ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 300 lượt bệnh nhân, chủ yếu mắc bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não…

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay nên hạn chế tối đa việc ra đường, không ra, vào phòng điều hòa đột ngột, bổ sung đủ nước, dinh dưỡng cho cơ thể. Với các bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính nên duy trì đều đặn việc uống thuốc, dinh dưỡng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

BS. Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo, không nên lạm dụng một số đồ uống như nhân trần, đỗ đen thay nước lọc; không nên cho con trẻ uống các nước ngọt công nghiệp, có ga… Bởi nước ngọt cung cấp năng lượng rỗng, dễ gây béo phì; Đồng thời, cafein trong các loại nước này cũng dễ làm trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến chức năng gan thận; trẻ càng uống sẽ càng thấy khát. “Ngày hè các loại nước quả tươi cần khuyến khích cho trẻ uống”, BS. Nga chia sẻ.

Nắng nóng, các bể bơi cũng đông nghẹt khách. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo, người dân nên chọn bể bơi vào thời điểm hợp lý. Cần lưu ý, trước và sau khi xuống bể bơi đều phải tắm tráng, sử dụng các dung dịch khử khuẩn để sát khuẩn mắt, mũi, họng... sau khi bơi. Đối với những người đang mắc bệnh ngoài da, đau mắt, viêm tai - mũi - họng... dù đã có quy định không được xuống tắm tại bể bơi công cộng, song bản thân mỗi người cũng nên có ý thức tự giác để tránh lây bệnh cho người khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.