Chưa đáp ứng được lượng tiêu thụ tăng thêm
Theo kịch bản do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) xây dựng, từ nay đến 20/7/2023 hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải khu vực miền Bắc.
Tuy nhiên, trong các ngày gần đây, miền Bắc đang phải đối mặt với hiện tượng nắng nóng tăng cường, dự kiến kéo dài đến 12/7, trong đó cao điểm có khả năng rơi vào giai đoạn từ 6-8/7. Dự kiến khoảng thời gian nắng nóng từ 2-12/7, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh ngày (cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW).
Nắng nóng dự kiến kéo dài đến ngày 12/7
Dẫn thực tế, sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất ngày 30/6/2023 của hệ thống là 854,6 triệu kWh (công suất đỉnh là 41.823 MW lúc 14h30) cao hơn ngày 29/6 là 21,6 triệu kWh, cao hơn ngày 28/6 là 46,1 triệu kWh; trong đó, miền Bắc là 432,8 triệu kWh (công suất đỉnh là 20.751 MW lúc 22h30)…
Nếu so sánh giữa tổng sản lượng điện truyền tải qua đường dây Trung Nam (chuyển điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc) trong ngày 30/6 đạt 42,3 triệu kWh, với con số tăng thêm 46,1 triệu kWh mỗi ngày (chênh lệch sản lượng ngày 30/6 với 28/6), A0 đánh giá “chưa đáp ứng được sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm của miền Bắc”.
Vậy, kịch bản cung ứng điện miền Bắc ra sao trong những ngày tới?
Tăng huy động nguồn thuỷ điện miền Bắc
Theo Bộ Công thương, ngày 3/7/2023, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện khu vực Bắc bộ, Đông Nam bộ dao động nhẹ.
Tuy nhiên, nhờ mưa kéo dài, mực nước hiện tại của các hồ thuỷ điện lớn khu vực miền Bắc như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều cao hơn mực nước chết từ 5-9 m. Và sẵn sàng phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành.
Miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày.
Cao hơn mức nước chết từ 5-9m, các thuỷ điện ở miền Bắc đã sẵn sàng phát điện
"Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn", Bộ Công thương tính toán.
Về kế hoạch huy động nguồn thủy điện, Bộ Công thương cho hay: Trong các ngày tới, sẽ tăng cường khai thác hồ Lai Châu để nâng mực nước hồ Sơn La, nhằm tăng công suất khả dụng; khai thác hồ Tuyên Quang để hỗ trợ lưới điện khu vực; hồ Hòa Bình vận hành để đáp ứng phụ tải miền Bắc trong các ngày nắng nóng sắp tới, cũng như duy trì mực nước các hồ trong phạm vi an toàn để đón lũ chính vụ.
Đảm bảo đủ than, kiểm soát sự cố nhà máy nhiệt điện
Ngoài thuỷ điện, điện than là nguồn điện chính “gánh” cho cả hệ thống điện những ngày qua, với tỷ trọng hơn huy động 50% sản lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, việc xảy ra sự cố từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ là thách thức lớn trong cung ứng điện.
Theo báo cáo của TKV, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng than rót cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đạt 21,3 triệu tấn, tương đương 105,2% tiến độ hợp đồng và tăng 3,08 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến nhu cầu than cấp cho điện tăng cao đến hết tháng 7/2023 sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.
Theo tính toán, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 19 triệu tấn. Như vậy than cấp cho điện năm 2023 dự kiến khoảng 40,3 triệu tấn, tương ứng đạt 105% khối lượng hợp đồng năm và bằng 115% so với năm 2022.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã yêu cầu các đơn vị phát điện phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị tại nhà máy để xử lý kịp thời nếu sự cố xảy ra nhằm khôi phục vận hành tổ máy trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, thực hiện duy tu bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ khả dụng các tổ máy trong thời gian còn lại năm 2023 theo kế hoạch đã được duyệt.
Đồng thời, tăng tần suất kiểm tra, theo dõi vận hành các thiết bị tại chỗ để đảm bảo độ tin cậy hoạt động của các tổ máy phát điện, phát hiện xử lý sớm các bất thường không để xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố chủ quan do lỗi của con người.
Từ đầu năm đến nay, tổng luỹ kế sản lượng điện phát từ nguồn nhiệt điện đạt khoảng 70 tỷ kWh, trong đó nhiệt điện miền Bắc đạt hơn 44 tỷ kWh.
EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.
“Đối với lượng than vượt so với khối lượng than do Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chịu trách nhiệm thu xếp để đáp ứng yêu cầu huy động của A0”, EVN lưu ý.
Vẫn còn cắt điện luân phiên
Vào thời điểm hệ thống điện “chưa đáp ứng được sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm của miền Bắc”, kế hoạch ứng phó ra sao?, EVN cho biết: Nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
EVN cũng lưu ý, qua rà soát sơ bộ, đối với khu vực miền Bắc, dự báo nhu cầu phụ tải (Pmax) tăng xấp xỉ 10%/năm (tương ứng tăng thêm 2.400-2.900 MW/năm) trong khi các nguồn điện mới dự kiến đưa vào thêm trong năm 2024 khoảng 780 MW, năm 2025 khoảng 1.620 MW.
Cơ cấu công suất các nguồn điện
Do đó, việc cấp điện tại miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thuỷ điện xuống thấp.
EVN đang tính toán, nghiên cứu cẩn trọng và sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cũng như sẽ có các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và sẽ xin báo cáo chi tiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4443/VPCP-CN ngày 15/6/2023 trong tháng 7/2023.
Ngoài ra, đơn vị này cho biết, sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận