Thời sự

Năng suất lao động người Việt kém Singapore tới 14 lần

19/11/2014, 11:51

"Theo thống kê của tổ chức lao động khu vực, năng suất lao động của chúng ta thấp hơn 2 lần so với các nước ASEAN và ngay cả trong khu vực, chúng ta cũng thấp hơn Singapore tới 14 lần".

Nông dân thu hoạch lúa - ảnh minh họa
Nông dân thu hoạch lúa - ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năng suất lao động của người Việt Nam so với thế giới và khu vực. "Theo thống kê của tổ chức lao động khu vực, năng suất lao động của chúng ta thấp hơn 2 lần so với các nước ASEAN và ngay cả trong khu vực, chúng ta cũng thấp hơn Singapore tới 14 lần", Bộ trưởng Khoa học Công nghệ cho hay.

Cũng theo ông Quân, hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố tác động quan trọng đến năng suất lao động, chất lượng hàng hóa. Ông Quân lấy ví dụ: cách đây 10 năm, khi chúng tôi đến khu công nghiệp Tân Trúc (Đài Loan), bình quân mỗi lao động ở đó làm ra trên 400.000 USD giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tại Việt Nam, chẳng hạn theo quy mô cam kết của công ty Samsung, sẽ có khoảng 100.000 lao động và kỳ vọng xuất khẩu trên 4 tỷ USD. Và ngay cả một lao động có trình độ của Việt Nam cũng có thể làm ra 400.000 - 500.000 USD giá trị hàng xuất khẩu.

"Nhưng vấn đề là hiện nay chúng ta có khoảng hơn 40 triệu lao động làm nông nghiệp. Nếu tính giá trị xuất khẩu gạo hàng năm (7 - 8 triệu tấn gạo), mỗi lao động chỉ làm ra khoảng 1 tấn gạo, tức trên dưới 400 USD, bằng 1/1.000 so với lao động ở Tân Trúc (Đài Loan)", ông Quân nói và cho biết, đó là chưa kể nông nghiệp của Việt Nam năng suất, giá trị sản phẩm thấp, chi phí đầu vào lớn, ảnh hưởng bởi thời tiết...

Theo Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, chính vì lẽ đó, Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó các bộ chủ chốt làm chủ các dự án thành phần như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ GTVT; Bộ Công thương... và phía các địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, do chúng ta vẫn chưa lựa chọn được các sản phẩm quốc gia nên công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Năng suất lao động của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta tái cơ cấu kinh tế như thế nào. "Nếu tỷ trọng nông nghiệp lớn thì GDP cũng cao được. Nhưng nếu công nghiệp phát triển, giá trị sản phẩm mang lại cũng như đóng góp cho GDP sẽ cao hơn. Đầu tư vào nông nghiệp cũng không nâng được năng suất lao động. Những năm qua, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ khoảng 3%, trong khi GDP tăng khoảng 5%. Tức là còn chậm hơn tốc độ tăng GDP. Nếu không có giải pháp, chúng ta không đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa", ông Quân nói.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.