Phát triển - Kết nối

Nâng ý thức sử dụng phao cứu sinh để ngừa tai nạn thủy vùng hồ miền núi

21/09/2021, 20:30

Ngành chức năng Trung ương và địa phương nỗ lực vận động, ủng hộ phao cứu sinh để phòng ngừa TNGT đường thủy vùng lòng hồ miền núi.

Tặng phao, nâng nhận thức về ATGT đường thủy

Vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà (huyện Yên Bình, Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có diện tích ngập nước hơn 23.000m2, được tổ chức thành hai tuyến đường thủy chính gồm 50km đường thủy quốc gia và 33 km tuyến nhánh được phân cấp thành đường thủy địa phương.

Theo Sở GTVT Yên Bái, trên vùng lòng này hồ hiện có hơn 40 bến thủy hàng hóa và bến khách ngang sông đang hoạt động. Số phương tiện thủy đã đăng ký hành chính hơn 600 chiếc nhưng đều là phương tiện công suất lớn, còn lại hàng trăm phương tiện cỡ nhỏ, gia dụng được người dân dùng để đánh bắt hải sản, đi làm nương rẫy, vận chuyển nông lâm sản… hầu hết chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

img

Phương tiện thủy gia dụng vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà

Các phương tiện này chủ yếu thuộc hộ gia đình, cá nhân và phần lớn chưa học tập để lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện. Đối tượng phương tiện này có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường thủy gây hậu quả về người.

“Khó khăn hiện nay trong công tác quản lý của địa phương đối với nhóm phương tiện trên là lòng hồ rộng, người dân vùng miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn nên không thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Việc đăng ký, đăng kiểm cũng gặp khó khăn do nhiều phương tiện không có hồ sơ gốc, thiếu giấy tờ. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp khó khăn do địa bàn rộng, người điều khiển phương tiện trốn tránh, thậm chí bỏ lại phương tiện khi gặp lực lượng chức năng”, theo đánh giá của liên Cục Đường thủy nội địa VN, Đăng kiểm, Cục CSGT và Ban ATGT địa phương.

Thực tế cho thấy, đây cũng là thực trạng tại các vùng lòng hồ miền núi như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng... Và để hạn chế tai nạn đường thủy do loại phương tiện trên gây ra, những năm gần đây, liên Cục và các địa phương chú trọng bảo đảm ATGT vùng lòng hồ.

Trong tháng An toàn giao thông, lãnh đạo Phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, liên ngành và địa phương đẩy mạnh các buổi tuyên truyền đến xã, thôn, bản Luật Giao thông đường thủy nội địa, tập trung vào quy định trang bị thiết bị cứu sinh, an toàn kỹ thuật phương tiện và kỹ năng sử dụng phao cứu sinh để bảo đảm an toàn.

UBND cấp tỉnh ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện thủy thô sơ, gia dụng (sức chở dưới 1 tấn hoặc dưới 5 người) với điều kiện an toàn.

“Trong năm 2021, Cục Đường thủy nội địa VN vận động, quyên góp và trao tặng 800 dụng cụ cứu sinh đường thủy cho các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang để hỗ trợ cho người dân khó khăn, nhất là vùng lòng hồ, khu vực miền núi”, theo Phòng Vận tải - ATGT.

img

Đoàn Thanh niên Cục Đăng kiểm VN trao tặng dụng cụ cứu sinh tại vùng hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang - Ảnh tư liệu

Chung tay hỗ trợ người dân

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện khu vực miền núi phía Bắc có vùng lòng hồ thủy điện như Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang… có nhiều phương tiện thủy gia dụng được người dân sử dụng hàng ngày để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác thủy sản và phục vụ đi lại, trẻ em đi học. Vài năm gần đây, trước những vụ tai nạn do phương tiện thủy gia dụng gây ra, liên Cục Đường thủy, Đăng kiểm, CSGT và các địa phương miền núi ngày càng quan tâm hơn trong công tác bảo đảm ATGT đường thủy vùng lòng hồ.

“Tính đến giữa năm 2021, Cục Đường thủy nội địa VN vận động quyên góp từ các doanh nghiệp, cán bộ, viên chức trong ngành và trao tặng 6.120 dụng cụ nổi cứu sinh cho người dân miền núi, trong đó có các địa phương trên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người sử dụng phương tiện, đi lại bằng phương tiện thủy vùng miền núi, vùng sâu, xa nâng ý thức tự giác trong việc trang bị và sử dụng phao cứu sinh”, theo Cục Đường thủy nội địa VN.

Ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 9 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết, bên cạnh tuyên truyền trực tiếp đến người dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, năm nào đơn vị cũng tuyên truyền, cùng chính quyền các xã vùng lòng hồ cam kết phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.

"Trong 2 năm gần đây, có thêm hơn 100 phương tiện thủy trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình thực hiện đăng kiểm thường xuyên, nhiều phương tiện gia dụng thường xuyên trang bị phao cứu sinh”, ông Khiết cho biết.

Anh Đinh Quang Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Đăng kiểm VN thông tin, 3 năm gần đây, lực lượng đoàn viên thanh niên tổ chức vận động, quyên góp và đến trao tặng gần 100 phao cứu sinh, đồ dùng sinh hoạt cho các người dân vùng lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), góp phần chung bảo đảm ATGT đường thủy vùng miền núi.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong tháng ATGT, Ban ATGT tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang cũng trao tặng cho phương tiện thủy vùng lòng hồ Na Hang 200 dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Theo Liên Cục Đường thủy, Đăng kiểm VN và Cục CSGT, phần lớn các vụ TNGT đường thủy gây thiệt hại về người do phương tiện dân sinh, dân dụng nhỏ lẻ chưa đăng ký đăng kiểm hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh gây ra.

Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện và sử dụng phao cứu sinh, dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 132/20215 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy quy định xử phạt 1-5 triệu đồng đối với phương tiện thủy loại thô sơ, công suất máy đến 15CV hoặc sức chở dưới 12 người không trang bị hoặc không trang bị đủ phao cứu sinh cá nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.