Quản lý

Nạo vét luồng hàng hải gặp khó vì nhà thầu yếu

21/03/2017, 07:26

Các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải đang tồn tại nhiều vướng mắc do phương tiện thi công yếu...

3

Năm 2017 sẽ nạo vét, duy tu 16 tuyến luồng hàng hải

Phương tiện yếu, luồng tạm ngừng thi công

Theo kế hoạch bảo trì năm 2016 được Bộ GTVT phê duyệt, có 13 tuyến luồng hàng hải được thực hiện nạo vét, duy tu với tổng vốn ngân sách được bố trí là 723,5 tỷ đồng. Trong đó, tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và tuyến luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu thực hiện theo hình thức khoán gọn. 

Năm 2017, 16 tuyến luồng hàng hải sẽ được nạo vét, duy tu với tổng kinh phí gần 760 tỷ đồng. Cục Hàng hải đã báo cáo Bộ GTVT cho phép ghép một số tuyến luồng phù hợp về vị trí địa lý, thiết bị, kinh phí thành một gói thầu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đánh giá tác động môi trường; Công bố thông tin đấu thầu rộng rãi hơn để tăng số lượng nhà thầu tham gia, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, rà soát các quy định hợp đồng chặt chẽ để đảm bảo nhà thầu huy động phương tiện đúng kế hoạch, quy định rõ hơn chế tài xử lý khi nhà thầu không thực hiện đúng hợp đồng.

Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Hồng Thái cho biết, trong số 13 tuyến luồng được phê duyệt thực hiện có 3 tuyến Quy Nhơn, Hòn Gai - Cái Lân và Vũng Áng không thực hiện duy tu do khối lượng sa bồi thực tế không lớn; 7 tuyến luồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2016; 2 tuyến Diêm Điền và Phà Rừng đã đưa vào sử dụng trong tháng 1.

Tuy nhiên, tuyến Nghi Sơn không hoàn thành theo kế hoạch (tuyến này khởi công vào tháng 7/2016, dự kiến hoàn thành tháng 10/2016). Lý giải nguyên nhân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc Dương Ngọc Đức cho rằng, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết và yếu tố chủ quan của nhà thầu. Hơn nữa, việc xin phép vị trí đổ đất nạo vét cũng gặp nhiều khó khăn nên bị kéo dài thời gian.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, bên cạnh khó khăn về điều kiện thời tiết, đơn vị thi công tuyến luồng này là Tổng công ty Xây dựng đường thủy đã bố trí rất ít phương tiện thi công. Từ ngày 29/7 đến 21/9/2016 chỉ có 1 phương tiện duy nhất là tàu Trần Hưng Đạo thi công. Ngày 22/9/2016 mới bố trí thêm 3 phương tiện thi công là tàu Phạm Tài 04, HP 3006, Viet Ren TC 02. Phải đến ngày 20/2, đơn vị này mới bố trí thêm 3 phương tiện là Mạnh Tiến 12, Mạnh Tiến 08 và HP 3265. Chính sự chậm trễ trong việc điều phương tiện đến công trường, sau khi đưa phương tiện vào thi công lại thường xuyên bị hư hỏng, phải ngừng thi công để sửa chữa, công suất phương tiện nhỏ nên tiến độ thi công rất chậm.

Chưa quy hoạch nơi đổ thải

Một khó khăn rất lớn hiện nay đối với các dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải là mới chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch vị trí đổ vật liệu nạo vét tại khu A - ngoài biển Vũng Tàu, còn lại các địa phương khác chưa quy hoạch. Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam Trần Đức Thi, do các địa phương chưa quy hoạch vị trí đổ thải nên các vị trí đổ thải hàng năm bị thay đổi, phải lập lại đánh giá tác động môi trường gây tốn kém kinh phí và mất nhiều thời gian. Hơn nữa, ngay cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dù đã lập quy hoạch vị trí đổ thải, nhưng cũng chỉ cho phép thi công nạo vét ban ngày nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, cũng như khả năng khai thác tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải và Sông Dinh.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Nam Vũ Thị Huyền - đơn vị thực hiện nạo vét luồng hàng hải Sông Cấm (Hải Phòng) và Diêm Điền (Thái Bình) cũng cho biết, theo quy định chỉ cho phép thi công nạo vét và vận chuyển chất thải đi đổ vào thời điểm từ 6h - 18h. Trong khi đó, do công tác thi công thực hiện tuyến luồng dài, việc di chuyển đổ đất mất nhiều thời gian nên khi sà lan đi được nửa đường đã hết thời gian.

Bà Huyền kiến nghị cần cho phép thời gian làm việc 24/24h vì phương tiện thi công hiện nay cũng đã được trang bị những thiết bị an toàn hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.